3 năm trở lại đây được đánh giá là thời kỳ hoàng kim của truyền hình thực tế tại Trung Quốc khi nhiều chương trình liên tục được lên sóng trên các đài truyền hình địa phương. Nở rộ về số lượng nhưng chất lượng của những chương trình này còn là vấn đề gây tranh cãi.
Sao chép
Theo China Daily, quá nhiều chương trình truyền hình thực tế (THTT) gồm các cuộc thi hát, nhảy múa và các chương trình hẹn hò xuất hiện đã làm nhiều khán giả Trung Quốc khó chọn lựa. Nhưng những khán giả tinh ý đều có thể nhận ra sự na ná giống nhau của những chương trình này hoặc có những trường hợp cá biệt hơn là sao chép chương trình của nước ngoài nhưng biến tấu lại và đóng mác “made in China”.
Từ năm 2009, truyền hình Trung Quốc có hơn 30 bản sao chương trình thực tế có bản quyền của nước ngoài - riêng trong năm nay, đã có ít nhất là 10. Gần như tất cả các chương trình này có nguồn gốc từ châu Âu như Talpa BBC, FremantleMedia trụ sở tại London và các công ty sản xuất Hà Lan. Phân nửa các chương trình được phát sóng trên truyền hình Hồ Nam, Thượng Hải Dragon, truyền hình Chiết Giang và Giang Tô. Lý giải cho cơn sốt từ các các định dạng chương trình nước ngoài, giới nghệ thuật Trung Quốc cho rằng các đài truyền hình trong nước vẫn còn thiếu những ý tưởng sáng tạo.
Đài truyền hình Hồ Nam đang nổi lên là một đài địa phương có nhiều chương trình THTT được sản xuất từ phiên bản mua chính thức từ nước ngoài nhiều nhất. Những chương trình thu hút lượng khán giả nhiều nhất hiện nay của đài truyền hình này là I Love My Country (Hà Lan), Strictly Come Dancing và Just the Two of Us (Anh).
Rắc rối nảy sinh sau khi Đài truyền hình Hồ Nam cho sản xuất chương trình THTT Take Me Out, Đài truyền hình Giang Tô đã công khai chỉ trích chương trình này và cho rằng đó là bản sao chép từ chương trình THTT mang tính chất hẹn hò cho các cặp thanh niên mang tên If You Are The One do đài này sản xuất từ năm 2010.
Ông Trịnh Xuyên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chương trình tại tỉnh Hồ Bắc cho rằng những tranh cãi pháp lý xuất phát từ việc không thật sự tôn trọng bản quyền của các đài truyền hình.
Quản lý lỏng lẻo
Ngay từ năm 2010, cơ quan quản lý nhà nước về phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc đã phải can thiệp, đưa ra hướng dẫn mới. Họ gọi các chương trình này là “thô tục” và có lỗi trong việc quảng bá lối sống thực dụng, ảnh hưởng tới độ tin cậy của truyền thông. Cơ quan này liên tục kêu gọi khán giả hãy là những khán giả thông minh khi lựa chọn những chương trình mang tính giáo dục cao. Nhưng với nhịp sống công nghiệp hiện đại và nhiều căng thẳng, tỷ lệ khán giả theo dõi những chương trình giải trí nhiều tai tiếng do tò mò lại cao hơn những chương trình sản xuất trong nước mang đúng nghĩa giáo dục.
Bên cạnh đó, tai tiếng quanh các chương trình THTT ngày càng nhiều. Mới nhất là cuộc thi The Voice Trung Quốc. Sau vòng thi Đối đầu của The Voice Trung Quốc kết thúc, hàng loạt những bức ảnh nhạy cảm giữa thí sinh Đinh Đinh và huấn luyện viên Dương Khôn đã bị tung lên internet. Sự việc khiến khán giả Trung Quốc bất bình vì nghi thí sinh đã dùng quan hệ tình cảm để đi xa hơn ở The Voice Trung Quốc. Lương Bác, chàng trai sinh năm 1991, sinh viên năm thứ tư Học viện Nghệ thuật Cát Lâm, đoạt giải quán quân cuộc thi này cũng dính nghi án mua giải vì cha của anh là một cổ đông lớn của nhà tài trợ trong chương trình này.
Phương Nam