Tay bắt mặt mừng, những vòng tay ấm áp, nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt. Cuộc gặp gỡ của 117 cựu chiến binh Trường Sơn thuộc Câu lạc bộ truyền thống Quân dân y miền Nam vào ngày 29-9 vừa qua, giống như bất kỳ cuộc hội ngộ nào, tràn ngập hạnh phúc.
Bác sĩ Phùng Thị Dung xúc động chia sẻ: “Chúng tôi hội tụ về đây, ai nấy đều tuổi đã cao, đôi chân tuổi 20 năm nào nay đã chậm chạp. Nhưng trái tim nồng nàn yêu quê hương, đồng đội, đồng chí thì mãi mãi vẹn tròn. Ai ai đều tự hào quá khứ hào hùng, tri ân bao đồng đội đã ngủ yên dưới lòng đất mẹ. Trong chúng tôi, cứ mãi lung linh một huyền thoại…”
Trong vòng tay đồng đội, ông Giáp Văn Tình và bà Ngân Hoa, hai trong số những người giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức buổi ra mắt Phân ban Chiến sĩ Trường Sơn CLB Truyền thống Quân dân y miền Nam, cùng nở nụ cười mãn nguyện: “Chúng tôi rất vui khi trở thành phân ban chiến sĩ Trường Sơn thứ 19 được thành lập tại TPHCM. Bao nhiêu năm nay, đây là niềm mong mõi của những người đã từng chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Trường Sơn huyền thoại trong ngành y như chúng tôi. 37 năm sau ngày đất nước thống nhất, đến hôm nay, được chính nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Thiếu tướng Phan Khắc Hy gắn lên ngực áo chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sơn, vẫn lâng lâng một cảm xúc khó tả…”.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ Trường Sơn TPHCM, người luôn đồng hành với hầu hết các hoạt động liên quan đến hai từ Trường Sơn ở khu vực phía Nam, cũng có mặt với nụ cười rạng rỡ. Ở tuổi 86, trông ông vẫn hừng hực một tinh thần Trường Sơn. Như người anh lớn của bộ đội Trường Sơn, ông nói chỉ có một tâm nguyện là các cựu chiến sĩ Trường Sơn tiếp tục giữ vững truyền thống bộ đội Trường Sơn, thương yêu, đùm bọc, nâng đỡ nhau trong cuộc sống; đặc biệt là phải luôn luôn và muôn đời vì nhân dân mà cống hiến.
PGS-BS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm CLB Quân Dân y miền Nam, lưu ý bên cạnh việc giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, các cựu chiến binh Trường Sơn còn phải làm nhiệm vụ truyền lửa cho thế hệ tiếp theo.
Theo đại tá Đinh Công Ty, Phó ban Liên lạc chiến sĩ Trường Sơn TPHCM, “thắp lửa Trường Sơn” là một trong những nội dung hoạt động của Ban liên lạc. Đến nay, với phân ban thứ 19 vừa ra mắt, số hội viên đã lên đến gần 1.000 người. Trong đó, đặc biệt so với Ban liên lạc 44 tỉnh, thành khác là có một phân ban con em chiến sĩ Trường Sơn do kiến trúc sư Võ Kim Cương, con trai của thiếu tướng Võ Bẩm, người chỉ huy đầu tiên mở đường Trường Sơn hơn 50 năm trước, làm trưởng phân ban.
Tại buổi gặp gỡ này, chúng tôi đã gặp chị Lê Thị Mùi, có bố mẹ đều là cựu chiến binh Trường Sơn, khi chị đang xin chữ ký của thiếu tướng Phan Khắc Hy. Chị tâm sự: “Truyền thống chiến sĩ Trường Sơn thấm đẫm trong cuộc sống gia đình chúng tôi. Nó nâng bước tôi mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Bố mẹ già yếu rồi không đến đây được, tôi đi thay bố mẹ với niềm tự hào sâu sắc”. Chị đến đây với cô con gái nhỏ, với mong muốn thế hệ con cháu phải hiểu biết và tự hào về Trường Sơn và thế hệ cha anh như thế hệ chị đã từng.
“Truyền lửa Trường Sơn” là thông điệp chính của những buổi gặp gỡ, hội ngộ của những người lính Trường Sơn năm xưa, bởi hơn ai hết các cựu chiến binh Trường Sơn thấu hiểu rằng, một tinh thần Trường Sơn là vô cùng cần thiết trong quá trình dựng xây và bảo vệ đất nước. Ngồi cùng họ, nghe họ kể chuyện xưa, vỗ tay hát cùng họ, tôi cảm nhận được rằng: “Tinh thần Trường Sơn sẽ sống mãi. Trường Sơn rất gần…”.
Hương Uyên