Thời gian gần đây, hàng loạt sự kiện diễn ra xung quanh giới trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường khiến dư luận hết sức quan tâm, từ chuyện đánh nhau trong trường, ngoài đường phố, đến chuyện học sinh phổ thông hôn nhau trong lớp, chơi đánh bài cởi áo giữa lớp học… Liên tiếp những lời cảnh báo được phát ra trước thực trạng đạo đức học sinh ngày càng xuống cấp.
Tuy nhiên, không mấy ai chú ý đến vai trò của truyền thông mạng đang làm “trầm trọng” vấn đề và tác động nhiều đến lối sống của giới trẻ. Điều này cũng giống như việc nhiều người có cảm giác thiên tai trên thế giới ngày càng nhiều, khi thông tin về các vụ thiên tai được chuyển tải hàng ngày. Trên thực tế, các nhà khoa học đã khẳng định thiên tai trên thế giới đầu thế kỷ 21 cũng không nhiều hơn đầu thế kỷ 20.
Vấn đề chỉ là nếu những năm đầu thế kỷ 20 có xảy ra động đất tại Nam Mỹ thì ở châu Á cũng chẳng ai biết, nhưng ở thời đại cả thế giới được kéo lại gần nhau nhờ tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, nhất là hệ thống mạng Internet, các thông tin được cập nhật nhanh chóng khiến người đọc có cảm giác thiên tai nhiều hơn.
Điều đó cũng giống với tình hình của giới trẻ hiện nay. Không thể nói tuổi trẻ ngày xưa không đánh nhau, cũng không thể nói ngày xưa những người trẻ không có những hành động dại dột của tuổi mới lớn. Vấn đề là ngày xưa chuyện xấu chỉ có một số người biết đến, còn ngày nay chỉ một chuyện nhỏ trong lớp học cũng có thể dễ dàng được quay phim lại bằng điện thoại di động, cũng nhanh chóng được chuyển tải lên mạng, có hàng ngàn đến hàng triệu người xem.
Tuổi trẻ luôn được xem là nhanh nhạy trong việc nắm bắt các thành tựu kỹ thuật mới, các bạn trẻ rất am hiểu việc sử dụng các công cụ kỹ thuật như điện thoại di động có quay phim chụp ảnh, chuyển tải dữ liệu lên mạng… Thế nhưng, tuổi trẻ cũng lại rất chậm để cảm nhận được hậu quả của những đoạn phim, bức ảnh được gửi lên mạng. Là lứa tuổi dễ bị kích động, dễ bắt chước, không ít những bạn trẻ tự làm hại mình khi sử dụng không kiểm soát các tiến bộ của công nghệ.
Có trường hợp một nữ sinh phổ thông đang ở trong nhà vệ sinh bèn lấy di động tự chụp mình qua gương rồi đưa lên trang web cá nhân với bình luận “dù ở đâu mình cũng đẹp”. Đến sáng hôm sau đi học, cô nữ sinh nhận được những cái nhìn chọc ghẹo của bạn học trong trường, tấm ảnh của cô được chuyển tải khắp nơi trên mạng. Cư dân mạng cũng nhanh chóng điều tra ra lý lịch của cô để rồi tên của cô bị gắn kèm với “Con gái vô duyên”, “Nữ sinh mất nết”… Cô nữ sinh phải nghỉ học một năm để vượt qua khủng hoảng tinh thần, tấm ảnh trong một phút ngẫu hứng trở thành một vết ố đầu đời.
Ví dụ trên có thể xem là một “tai nạn” khá đặc thù. Nhưng cũng có không ít những trường hợp tự chụp ảnh, quay phim theo kiểu “khoe hàng”, ưỡn ngực, ưỡn mông gây ảnh hưởng tiêu cực đến chính các bạn trẻ.
Một phụ huynh tại Gò Vấp đã bàng hoàng khi thấy ảnh cô con gái 12 tuổi còn rất ngây thơ của mình trên một trang web, với kiểu chụp từ trên cao xuống để lộ một phần bộ ngực chưa kịp dậy thì. Hỏi ra mới biết, cô con gái nghe bạn bè bảo chụp vậy đẹp nên chụp “cho vui”. Cũng may, do “người mẫu” còn nhỏ tuổi nên tấm hình chưa kịp gây ra hậu quả gì đáng tiếc. Không chỉ tự chụp, quay phim mình, các bạn trẻ còn đưa cả thầy cô vào gây nên nhiều hệ lụy.
Sự phát triển của công nghệ là điều tất yếu của xã hội hiện đại và cũng là một quy luật khi song song với tính ưu việt, công nghệ mới cũng đồng thời kèm theo cả những hệ lụy tiêu cực khi người sử dụng không kiểm soát được kỹ thuật mới. Càng ngày các bạn trẻ càng được tiếp xúc với những công nghệ hiện đại có thể giao tiếp với cả thế giới trong giây lát. Nhưng những bài học về vai trò, trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội trong trường học vẫn còn là những bài học của cách nay 10-20 năm.
Đã đến lúc, nếu không muốn nói là đã chậm, rất cần đề cao trách nhiệm công dân vào giảng dạy trong nhà trường. Cần phải trao cho các bạn trẻ những hiểu biết về trách nhiệm, hệ quả có thể gây ra từ những việc làm ngẫu hứng của mình trong cuộc sống hiện đại
TƯỜNG VÂN