Người làm em xấu hổ
Người vợ đang nhặt rau muống, bỗng phát hiện một con đỉa mén trong cọng rau bò ra. Chị ta sợ quá thét lên, anh chồng chạy đến, thấy vậy nhặt thay cho vợ. Vừa nhặt vừa nhìn con đỉa bò, sực nghĩ điều gì anh tủm tỉm cười. Chị vợ thấy vậy, tra hỏi anh vì sao cười. Anh bảo ăn uống xong anh sẽ giải thích…
Cơm nước xong, hai vợ chồng cùng ngồi uống nước, anh đưa chuyện ra kể. Anh nói dạo hành quân trên đường Trường Sơn vào Nam chiến đấu, anh có một kỷ niệm khó quên với một cô gái. Hôm đó trời vừa mưa xong, dọc đường rừng rất nhiều vắt, vừa đi vừa phải cầm cái que hất những con vắt bám vào chân, nhưng đôi lúc cũng bị vắt chui vào ống quần.
Anh đang leo lên dốc thì nghe một tiếng kêu thét sau lưng, anh quay lại thấy một cô gái đang đứng túm lấy đũng quần. Thấy anh cô gái nói ú ớ: “Vắt! nó...nó...”. Anh nhanh tay kéo tụt quần cô xuống và đưa tay bắt con vắt đang bò vào chỗ kín của cô. Anh vất con vắt, chưa kịp hỏi gì cô gái đã vội vàng kéo quần lên nhanh chân chạy lên phía trước. Người vợ vừa nghe chồng kể vẻ ngạc nhiên, rồi mặt chị cứ tái dần cho đến lúc ngã gục xuống. Khi tỉnh dậy nhìn chồng chị nói: “Thế té ra anh là người làm em xấu hổ lúc đó…”. Xong chị ôm chặt lấy vai chồng khóc thút thít.
Chiếc nơ xanh
Trong các kiểu tóc của các cô gái, tôi yêu nhất mái tóc dài. Mỗi lần gội đầu xong, mẹ tôi thường đứng chải tóc trước sân nhà, lúc đó tôi đến ôm chân mẹ. Mái tóc ướt dính trên trán tôi phả ra mùi hương bưởi thật thơm. Mỗi lần mẹ tôi đi lễ hội, bà lại sửa soạn mái tóc rất kỹ càng, vấn tóc vào khăn đen cuộn tròn lên đầu đã rẽ ngôi, hoặc lúc làm công việc nhà bà lại búi tròn mái tóc vào sau gáy cài thêm chiếc trâm. Với mái tóc dài đó mẹ tôi có thể làm cho mình đẹp lên đủ kiểu cách. Một nét đẹp thuần phác, giản dị, dịu dàng và dễ thương.
Từ ngày tôi ra thành phố làm việc, hễ đi trên đường phố bao giờ tôi cũng thích đuổi theo những mái tóc đẹp. Một ngày kia vô tình một mái tóc đẹp đã lọt vào mắt xanh tôi. Một mái tóc dài đen nhánh mượt mà, buộc chiếc nơ xanh. Đang đi không may mái tóc bị cuốn vào bánh xe đạp, cô gái dừng xe quay lưng gỡ tóc. Tôi đạp xe đến giúp cô một tay. Tôi khen mái tóc đẹp và làm quen với cô. Cô cho địa chỉ và tôi hẹn đến thăm cô. Đến ngày hẹn tôi mang theo chiếc hộp nhỏ đựng chiếc nơ xanh bằng lụa có đính kim tuyến để tặng cô gái. Ngờ đâu khi tôi đến nhà được tin đám tang của cô đang được cử hành tại nhà tang lễ bệnh viện. Tôi bàng hoàng vội vàng đạp xe đến bệnh viện, rồi theo đoàn người đưa cô gái về nơi an nghỉ cuối cùng. Bọn côn đồ đã cướp mất mái tóc dài xinh đẹp của cô, đem bán cho bọn làm tóc giả, cô bị chấn thương sọ não, vào bệnh viện thì tắt thở.
Tiếng gọi bên bờ suối
Do công việc tôi có dịp lên miền Tây Bắc. Một sáng nọ tôi ra bờ suối ngắm cảnh, bỗng nhiên thấy một vật đen như đầu người đang nhấp nhô trên dòng nước xanh. Tôi nhảy ào xuống nước bơi theo vật đen đó, gần đến nơi thấy rõ đầu người đội chiếc váy đen và kéo được vào bờ. Tôi vuốt nước trên mặt quay lại nhìn. Ôi! Một cô gái Thái trần truồng, nước da trắng ngần, mọi đường nét trên cơ thể đều lộ rõ. Cô gái chẳng biểu lộ sự thẹn thùng, ngồi dậy lấy chiếc váy vắt nước, tủm tỉm cười và nói: “Không phải em tự tử đâu nhé, em tụt chân vào chỗ sâu, đang bơi vào thì anh cứu”.
Cô không nói gì, đứng dậy đi gom những cành củi khô đặt sau một hòn đá rồi bảo tôi đốt lửa, nhờ tôi cầm một bên váy cùng hơ lửa. Váy khô, cô đến bên bụi cây mặc vào, rồi đến cầm tay tôi nói: “Bây giờ em đưa anh về nhà em”. Tôi hỏi: “Để làm gì?”. Cô gái trả lời: “Làm chồng em”. Tôi hốt hoảng, khăng khăng từ chối. Cô gái vẫn không chịu, nước mắt cứ trào ra và nói: “Hãy thương em, mắt anh đã thấy được em rồi, anh phải làm chồng em”. Cô gái ôm mặt khóc, tôi vụt chạy nhanh lên đường cái, càng chạy càng nghe thấy tiếng cô gái gọi.
Bây giờ đêm nằm cạnh vợ thỉnh thoảng bên tai tôi văng vẳng tiếng gọi bên bờ suối. Tiếng gọi sao mà chân thành và trong sáng đến thế!
Cái bóng
Đêm đó trăng sáng, tôi dạo bước trên con đường làng để ngắm lại cảnh quê hương đã mấy chục năm xa cách. Tôi định bước vào nghĩa trang liệt sĩ bỗng có bàn tay đặt lên vai, giật mình quay lại nhưng không thấy ai chỉ thấy cái bóng mình in rõ trên mặt đường. Tôi sợ không dám bước vào bèn quay lại đi tiếp. Đi được mươi bước, tôi có cảm giác có người đang đi theo mình, tôi quay lại cũng chỉ thấy cái bóng của mình. Đi tiếp một đoạn, một làn gió nhẹ thổi qua, tôi cảm thấy khoan khoái, dễ chịu nhưng bên tai tôi văng vẳng một giọng nói còn trẻ rất quen thuộc: “Mi vác mặt về đây ư? Không biết hổ thẹn à! Mấy chục năm nay mi bỏ làng ra đi tìm công danh, bây giờ mi được cái gì? Chúng tao thuở đó cùng tuổi thanh niên với mi đã chết trong hai cuộc kháng chiến. Máu thịt của chúng tao tưới bón cho cây cỏ của làng này để có quang cảnh tươi đẹp hôm nay. Dưới chân mi đang đi có xác của bảy người từ ông bà, cha mẹ, anh chị và tao đấy! Chúng tao bây giờ yên thân rồi, không lo nghĩ điều gì nữa, mi sống, còn phải suy nghĩ nhiều sự đời, chưa yên thân đâu!...”.
Tôi toát mồ hôi, nhanh chân quay trở lại nhà ông bác ruột tôi đang ở. Sáng hôm sau, tôi vội xin phép bác để trở lại thành phố sớm hơn dự định. Khi rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình, tôi không quên đi qua nghĩa trang thắp một nén hương tạ ơn.
Rời khỏi làng, tâm trạng tôi cũng giống như mấy chục năm về trước khi bỏ làng ra đi vẫn là tâm trạng của một kẻ tha phương.
Lưu Đức Trung