Cuối năm 2011, khi được lãnh đạo Báo SGGP giới thiệu về Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã đồng ý tham gia tài trợ chính cho chương trình trong giai đoạn 2 với số tiền lên tới 52 tỷ đồng. Nhân dịp tổng kết chương trình, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS PHẠM HUY HÙNG, Chủ tịch HĐQT VietinBank.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, xuất phát từ suy nghĩ như thế nào mà VietinBank quyết định tham gia tài trợ, đồng hành cùng chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP?
>> TS PHẠM HUY HÙNG: Trong 25 năm qua, VietinBank đã không ngừng phát triển và đến nay đã trở thành một ngân hàng thương mại lớn hàng đầu Việt Nam, với quy mô vốn lớn nhất, chất lượng tài sản tốt nhất, giá trị thương hiệu cao nhất tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh thành công trong hoạt động kinh doanh, chúng tôi luôn quan niệm phải chung tay chia sẻ với cộng đồng, thực hiện trách nhiệm xã hội, thực thi có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về công tác xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua các chương trình từ thiện - an sinh xã hội trên phạm vi cả nước. Cuối năm 2011, khi được lãnh đạo Báo SGGP đặt vấn đề mời tham gia đồng hành Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn giai đoạn 2, chúng tôi nhận thấy chương trình này có ý nghĩa rất thiết thực và hoàn toàn phù hợp với chủ trương đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo mà VietinBank đang theo đuổi. Chính vì thế, chúng tôi rất vinh dự được đồng hành với Báo SGGP cùng thực hiện chương trình này. Có thể nói, hai đơn vị đã cùng chung một tấm lòng, một nghĩa tình với Trường Sơn thông qua chương trình này.
- Qua gần 2 năm đồng hành cùng Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, ông đánh giá thế nào về quá trình triển khai cũng như kết quả mang lại của chương trình?
Trong thời gian gần 2 năm qua, các cán bộ của Báo SGGP và VietinBank đã cùng nhau hợp tác, không quản ngại khó khăn, vất vả đi khảo sát tới từng thôn, bản ở nhiều vùng đồng bào còn khó khăn dọc tuyến đường Trường Sơn lịch sử năm xưa để xác định từng địa chỉ cần hỗ trợ, giúp đỡ. Kết quả là 600 ngôi nhà tình nghĩa đã được hai bên phối hợp xây dựng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, giúp họ giảm bớt khó khăn. Bên cạnh đó, 7 trạm y tế đã và đang được xây dựng, bàn giao để hỗ trợ bà con các vùng sâu, vùng xa, các bản làng heo hút vùng biên giới, giúp công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nhiều địa phương được tốt hơn. Các công trình được xây dựng bằng tấm lòng tri ân với Trường Sơn nên tiến độ và chất lượng đều bảo đảm. Sắp tới, chúng tôi còn phối hợp xây dựng đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đây sẽ là công trình mang dấu ấn lịch sử, là công trình để đời cho con cháu sau này luôn nhớ về một thời cha ông đã anh dũng xả thân vì nước. Qua chương trình, thay mặt cán bộ, công nhân viên VietinBank, tôi xin gửi lời cảm ơn tới Báo SGGP đã cho chúng tôi cơ hội đồng hành để tỏ lòng tri ân với Trường Sơn lịch sử.
- VietinBank là một trong những đơn vị đi đầu của cả nước trong công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Xin ông chia sẻ đôi chút với bạn đọc về vấn đề này?
Triết lý kinh doanh xuyên suốt của VietinBank trong những năm qua là “Đoàn kết, hợp tác, chia sẻ và trách nhiệm xã hội”. Bởi vậy, công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa luôn được cán bộ nhân viên của VietinBank xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đồng thời cũng là hạnh phúc của chúng tôi. Đến nay, VietinBank đã dành tới 4.000 tỷ đồng từ Quỹ Phúc lợi xã hội, từ tiết giảm chi phí cùng nguồn đóng góp tự nguyện của gần 20.000 cán bộ, nhân viên hỗ trợ xây dựng công trình dân sinh, y tế, giáo dục, hỗ trợ an ninh quốc phòng thực hiện chiến lược biển đảo và công tác đền ơn đáp nghĩa… tại hầu hết 63 tỉnh, thành trên địa bàn cả nước là con số đáng tự hào.
HÀM YÊN