Từ 10-6, đất vượt hạn mức có hệ số K cao nhất bằng 2 lần bảng giá đất

Ngày 30-5, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 17 (QĐ-17) về hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất ở (gọi là hệ số K) đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TPHCM, thay thế QĐ 28/2012 của UBND TPHCM theo hướng giảm hệ số K cao nhất bằng 2 lần bảng giá đất.

(SGGPO).- Ngày 30-5, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 17 (QĐ-17) về hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất ở (gọi là hệ số K) đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TPHCM, thay thế QĐ 28/2012 của UBND TPHCM theo hướng giảm hệ số K cao nhất bằng 2 lần bảng giá đất.

Hệ số K được áp dụng để tính thu tiền sử dụng đất của phần diện tích vượt hạn mức sử dụng (hạn mức giao) đất ở khi cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất ở (công nhận quyền sử dụng đất) đối với đất đang sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đối với đất đang sử dụng không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân.

Hệ số K để tính thu tiền sử dụng đất của phần diện tích vượt hạn mức sử dụng đất ở khi cấp GCN quyền sử dụng đất ở đối với đất đang sử dụng, chuyển mục đích sử dụng thì phần diện tích đất ở vượt hạn mức được áp dụng  hệ số K tùy theo từng khu vực: khu vực 1 (quận 1, 3, 4, 5, 10,11, Tân Bình, Phú Nhuận) có hệ số K bằng 2 lần giá đất do UBND TPHCM quy định tại bảng giá đất và công bố hàng năm; khu vực 2 (quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú) có hệ số K bằng 1,5 lần; khu vực 3 (Huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) có hệ số K bằng 1,3 lần. Riêng huyện Cần Giờ được áp dụng hệ số K bằng 1,1 lần.

Căn cứ hệ số K này, UBND các quận - huyện, Chi cục Thuế quận - huyện xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích vượt hạn mức. Trường hợp cấp GCN quyền sử dụng đất ở: đối với vị trí mặt tiền đường  thì áp dụng giá đất ở quy định tại Bảng giá đất do UBND TPHCM ban hành hàng năm nhân với hệ số K; vị trí không mặt tiền đường, căn cứ cấp hẻm, vị trí hẻm nhân (x) với hệ số K. Đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đối với đất đang sử dụng không phải là đất ở sang đất ở cũng được chia ra làm 2 trường hợp. Đối với vị trí mặt tiền đường thì áp dụng giá đất tại Bảng giá đất trừ giá đất theo mục đích sử dụng trước khi chuyển mục đích (theo Bảng giá đất) tại cùng thời điểm, sau đó nhân với hệ số K này nhưng trong mọi trường hợp không được thấp hơn giá đất trồng cây lâu năm quy định tại Bảng giá đất có cùng vị trí. Đối với vị trí không mặt tiền đường, căn cứ cấp hẻm, vị trí hẻm trừ giá đất theo mục đích sử dụng trước khi chuyển mục đích (theo Bảng giá đất) tại cùng thời điểm, sau đó nhân với hệ số k nhưng trong mọi trường hợp không được thấp hơn giá đất trồng cây lâu năm quy định tại Bảng giá đất có cùng vị trí.

Các trường hợp đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định, thu tiền sử dụng đất ở và cấp GCN quyền sử dụng đất trước ngày 10-6 thì không áp dụng và không điều chỉnh theo Quyết định này. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất ở, cấp GCN quyền sử dụng đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất có phần diện tích vượt hạn mức sử dụng đất ở mà phải thu tiền sử dụng đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, nhưng chưa được xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất ở đối với phần diện tích này, thì giao cơ quan thuế căn cứ Quyết định này để tính thu tiền sử dụng đất ở. Trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất hoặc đã nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa nộp, căn cứ Quyết định này, giao Cục Thuế TPHCM hướng dẫn thực hiện thống nhất để tạo điều kiện hoàn thành công tác cấp GCN quyền sử dụng đất ở theo quy định.

Thành phố cũng đã giao cho liên Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế cập nhật giá đất chuyển nhượng thực tế (mang tính phổ biến) trên thị trường trong điều kiện bình thường hàng năm để báo cáo, trình UBND TPHCM xem xét, sửa đổi bổ sung hệ số K cho phù hợp.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10-6. 
    

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục