Từ biệt tác giả ca khúc Đất nước trọn niềm vui

Từ biệt tác giả ca khúc Đất nước trọn niềm vui

Lần đầu tiên tôi gặp nhạc sĩ Hoàng Hà trong Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Hà Nội năm 1957 và chúng tôi trở thành đôi bạn thâm giao. Từ đó đến nay tôi thường xuyên theo dõi từng bước đi thành đạt của ông trên con đường sáng tác âm nhạc. Không ngờ chiều 4-9, tôi được tin dữ ông đột ngột ra đi sau một cơn bạo bệnh.

Nhạc sĩ Hoàng Hà

Nhạc sĩ Hoàng Hà

Hoàng Hà sinh ngày 1-12-1929, quê quán ở làng Yên Phụ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay là quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Bà ngoại của ông người Việt, ông ngoại là người Tunisie, sinh ra mẹ của ông mang nét người Âu, nhưng vẫn nhuộm răng đen, để tóc đuôi gà. Bố mất lúc 10 tuổi, 13 tuổi, Hoàng Hà đi làm thợ nhà in I.D.E.O. ở Hà Nội. Lúc lên 10, cậu bé Hoàng Phi Hồng tham gia Hướng Đạo hát các bài hát Hướng Đạo, sau đó là các bài hành khúc của Lưu Hữu Phước. Năm 16 tuổi, học ký âm pháp, rồi học mandoline. Sau Cách mạng Tháng Tám ít lâu, Hoàng Hà chuyển công tác lên Phúc Yên. Tại đây, năm 1947, lúc 18 tuổi, Hoàng Hà lần đầu tiên sáng tác bài Người du kích ven sông Nhị, phổ thơ Ngô Linh Ngọc, khi kiến thức âm nhạc đang còn ít ỏi.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hoàng Hà còn sáng tác các bài về tình yêu, tiếng nói trái tim của một chàng trai 19 tuổi, sau đó gom lại in thành tập Âm thầm-1948.

Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Hoàng Hà tiếp tục sáng tác. Tháng 6-1955, Hoàng Hà đến thăm công trường xây dựng cầu Việt Trì tại Bạch Hạc, ngã ba sông Lô và sông Thao. Quang cảnh trên bến dưới thuyền đông vui, nhộn nhịp. Điện sáng rực trên bờ dưới sông, tiếng búa đập chí chát. Ông như bị chôn chân trên bờ sông, đứng ngắm mê mải gần như suốt đêm. Hình ảnh công trường đã gây ấn tượng mạnh cho ông và sau vài hôm, ca khúc Ánh đèn trên cầu Việt Trì ra đời. Có thể nói đây là một trong những tác phẩm thành công viết về một công trình xây dựng lớn trên miền Bắc thời ấy. Đây cũng là bài đầu tiên làm nên tên tuổi của Hoàng Hà, tuy rằng trong kháng chiến chống Pháp, ông cũng đã có nhiều sáng tác.

Một điều quan trọng trong đời Hoàng Hà là vào năm 1957, ông tham gia Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi Hội thành lập. Năm 1961, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cử ông phụ trách Quốc doanh Mỹ thuật tỉnh (vì ông có khả năng hội họa). Năm 1962, với sự can thiệp của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, ông được chuyển về Vụ Nhạc múa Bộ Văn hóa và sau đó, được cử đi học Nhạc viện Hà Nội khóa 1962-1965.

Sau đó, trên Đài TNVN có nhiều bài hát của Hoàng Hà, nhưng người nghe nhớ nhất là Cùng hành quân giữa mùa xuân, Đất nước trọn niềm vui. Ông sáng tác bài Cùng hành quân giữa mùa xuân cho Đài Phát thanh Giải phóng vào năm 1971, với bút danh là Cẩm La. Bài Đất nước trọn niềm vui ông viết năm 1975. Khi tiếng súng tiến công đầu tiên của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn bắt đầu nổ vang cũng là lúc Hoàng Hà đặt bút sáng tác bài Đất nước trọn niềm vui. Ngay trong đêm 26-4-1975 (trước 3 ngày quân ta vào Sài Gòn) ông viết và hoàn thành bài hát này. Hầu như  tất cả tinh lực, tất cả những trăn trở bức xúc nhất của ông cuối cùng đã dồn vào bài hát. Điều kỳ lạ là dòng nhạc, dòng lời cứ thế tuôn chảy. Giai điệu Đất nước trọn niềm vui sôi nổi hào hứng với nét nhạc có những bước nhảy xa, những phách đảo, những nốt nhạc ngân dài… Bài hát vẽ nên hình ảnh trên các nẻo đường phố Sài Gòn khi Quân Giải phóng tiến vào, đồng bào tràn xuống đường, rừng cờ, rừng người cuồn cuộn như thác đổ, một sức mạnh vô địch của sự trỗi dậy tổng lực trong cuộc quyết chiến cuối cùng không gì có thể cản được. Trong ngày 30-4-1975, nghệ sĩ Trung Kiên, với giọng ca sáng và khỏe, là người đầu tiên trình bày rất thành công bài hát Đất nước trọn niềm vui trên Đài Tiếng nói Việt Nam, làm xao động, lôi cuốn người nghe vào niềm vui trọn vẹn của đất nước, mở đầu cho nhiều giọng ca khác khắp hai miền Nam Bắc vang lên rộn rã bài hát này chào mừng ngày toàn thắng của dân tộc. 

Sau ngày đất nước thống nhất, Hoàng Hà vẫn tiếp tục viết, đáng chú ý có bản giao hưởng Côn Đảo 4 chương, chương 4 có phần hợp xướng, với sự tài trợ của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hoàng Hà, người nhạc sĩ tài hoa, nay đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng các tác phẩm của ông đặc biệt là ca khúc Đất nước trọn niềm vui sẽ còn vang mãi với thời gian.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục