Ca sĩ Ái Xuân

Từ “Chân quê” đến “Xa khơi”

Từ “Chân quê” đến “Xa khơi”
Từ “Chân quê” đến “Xa khơi” ảnh 1

Gần 40 năm ca hát, hình ảnh của cô ca sĩ đồng bằng Bắc bộ đầu chít khăn mỏ quạ, người khoác áo tứ thân, cặp mắt lúng liếng, đã đọng lại trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Công chúng không chỉ nhớ Ái Xuân là một ca sĩ chuyên dòng nhạc dân ca mà còn ở sự hóa thân vào từng lời ca, tiếng hát của cô. Tiếng hát gợi hình ảnh một làng quê với những đôi trai gái yêu nhau, ước nguyện cùng nhau.

Thỉnh thoảng khán giả truyền hình lại bắt gặp hình ảnh một Ái Xuân như thế lúc thì bên cạnh nam ca sĩ Tô Thanh Phương, lúc thì Nhất Sinh, khi lại Đào Đức… Những ca khúc quen thuộc như “Tơ hồng”, “Chuyến đò quê hương”, “Tình yêu trên dòng sông quan họ”… đã theo Ái Xuân khắp các sân khấu lớn nhỏ và cả những vùng sâu, vùng xa để hát phục vụ bà con nghèo.

 Ái Xuân đam mê ca hát, siêng đi dù cho đó là nơi xa xôi, khó khăn, chính lý do này khiến cho cô hay được mời biểu diễn trong các chương trình từ thiện. Gắn bó với nghề lâu đến vậy nhưng gia tài lưu giữ giọng hát của Ái Xuân mới chỉ có… 2. Đó là 2 album “Chân quê” và “Xa khơi” đều do Trung tâm băng nhạc Trẻ phát hành.

Hỏi chị tại sao chậm làm album như vậy, chị trả lời: “Thực ra tôi đã dự định làm album cá nhân từ rất lâu nhưng điều kiện chưa cho phép. Những bài hát dân ca Việt Nam rất đằm thắm, sâu sắc, rất dễ đi vào lòng người nhưng vẫn không thể cạnh tranh lại với dòng nhạc trẻ. Tôi muốn khi đã thật chín muồi  mới làm album và muốn khi khán giả lắng nghe album của tôi sẽ cảm nhận được những tình cảm chân thành mà tôi gửi gắm trong đó…”. 10 ca khúc quen thuộc trong “Xa khơi” như: Tàu anh qua núi, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Hoa cau vườn trầu, Đất nước lời ru… là những gì mà Ái Xuân muốn nói.

HOA LAU

Tin cùng chuyên mục