Cách đây chưa lâu, cả xã hội dường như lên “cơn sốt” bởi trên lưng mỗi em học sinh phải cõng những chiếc cặp xách nặng hơn 10kg, có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất của giới trẻ. Một trong những “thủ phạm” làm tăng trọng lượng, đó chính là những chiếc cặp (chưa kể sách, vở, đồ dùng học tập) nặng khoảng 1,5kg - 2kg. Giờ đây, việc sản xuất cặp xách, ba lô đã có những tiến bộ vượt bậc. Trọng lượng trung bình của mỗi sản phẩm chỉ còn 500g - 800g, trong đó Công ty TNHH May túi xách Hương Mi (Hami) là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất cặp xách cung ứng cho chương trình bình ổn của TPHCM.
Sản phẩm mới - ba lô chống gù của Công ty Hami
Theo ông Trần Bá Dũng, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Hami, ngay từ những năm 2000, Hami đã định hướng phải sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, đồng thời là sản phẩm siêu nhẹ để giảm tải cho các em, đặc biệt là học sinh tiểu học. Nhưng để có được những thành phẩm tốt, phải tìm cho ra những nhà cung cấp nguyên vật liệu tiên tiến nhất, không độc hại để thay thế các loại vải, ni lông dày và rất nặng mùi. Từ suy nghĩ này, Hami đã lặn lội đến với các đối tác để đặt hàng và các loại nhựa xốp dẻo khá nhẹ, các loại vải mỏng, dai không thấm nước đã được chọn để sản xuất và thay thế dần các nguyên liệu kém chất lượng.
Hơn 10 năm qua, Hami không ngừng cải tiến để đưa ra thị trường những chiếc cặp xách, ba lô nhẹ khoảng 500g - 800g như hiện nay. Chỉ riêng cái khóa nhựa, không độc hại và là chi tiết nhỏ nhất trong chiếc cặp, cũng là cả một câu chuyện dài về quá trình thay đổi của một sản phẩm. Trước đây, cặp xách được gắn cái khóa sắt, có khi là cái móc khóa rất nặng, kẹt cứng khi mở ra đóng vào và rất dễ gỉ sét khi bị nước mưa. Theo ông Dũng, công nghiệp nhựa phát triển thì các dụng cụ phụ trợ cho cái cặp cũng phát triển theo và cái khóa nhựa ra đời. Vậy nhưng, phải mất nhiều năm sau, chiếc khóa nhựa này mới hoàn chỉnh, không còn thô, cứng và rất dễ gãy như trước. Sau khi quan sát nhận thấy trong quá trình sử dụng, các em đóng, mở rất nhiều lần, nên chiếc khóa tuy nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng để cấu thành một sản phẩm, Hami lại một lần nữa tìm kiếm và đặt hàng cho các nhà sản xuất nhựa sạch, đạt chất lượng châu Âu nhằm tăng độ bền cho sản phẩm cũng như bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Mãi đến năm 2013, Hami mới tìm được đối tác ưng ý nhưng giá thành lại cao hơn gấp 6 - 7 lần so với trước đó. Chiếc khóa nhựa có độ dẻo cao, đạt chuẩn sạch không độc hại có logo Hami được ra đời từ đó.
Là DN đầu tiên tham gia vào Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng cung ứng cho mùa khai trường tại TPHCM, Hami cũng đã nhận được “đơn đặt hàng” của lãnh đạo TP là tiếp tục nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, không làm ảnh hưởng tới việc phát triển thể chất của học sinh. Một lần nữa, Hami lại bắt tay nghiên cứu, thay đổi công nghệ để tung ra sản phẩm ba lô chống gù. Đây cũng là dòng sản phẩm mới của Hami trong năm học 2016-2017. Với thiết kế ngăn đựng sách vở là hình hộp vuông vức có kích thước rộng ngang 29cm, chiều cao 36cm, rộng 18cm rất vừa khổ sách A4 nên những cuốn sách của học sinh sẽ không bị nhăn đầu như đựng trong các balo thông thường khác. Bên trong ngăn chính có thêm 5 ngăn, túi phụ để các loại giấy tờ, dụng cụ học tập, bên ngoài có ngăn hộp nhỏ phía trước và 2 túi hông cho các em để chai nước, khăn lau rất thuận tiện. Tuy trông lớn, nhiều ngăn nhưng ba lô chống gù của Hami có trọng lượng rất nhẹ - 900g. Ở phần quai đeo được thiết kế 3D để có thể điều chỉnh phù hợp, có lớp đệm mút êm vai, tránh nhức mỏi khi đeo. Điều quan trọng là phần bề mặt áp vào lưng phẳng hơn tạo diện tiếp xúc đều vào lưng không gây đau mỏi, có khoảng trống thoáng khí và mồ hôi.
Được biết, các nguyên liệu mà Hami dùng để sản xuất cho ba lô và cặp xách đều sử dụng vải poly - oxford phủ PVC và PU, không thấm nước và không có mùi hôi; không dùng keo tái sinh; dây đai chất liệu polyserban, ni lông chịu lực và không co giãn; dây kéo nhẹ êm và bền chắc; khóa nhựa dẻo không độc hại đạt chuẩn EU… Từ việc chú trọng tạo ra các mặt hàng chất lượng cao, an toàn nên sản phẩm Hami không dừng lại ở thị trường TPHCM mà còn có sức cạnh tranh tốt ở khu vực các tỉnh phía Bắc, với sản lượng và doanh thu tăng bình quân từ 15% - 20%/năm.
Theo ông Trần Bá Dũng, còn một việc Hami đang trăn trở, đó là chưa thể đưa các họa tiết, danh lam thắng cảnh về quê hương, đất nước cùng những nhân vật nổi tiếng Việt Nam, thay cho các nhân vật hoạt hình vào sản phẩm như mong muốn của lãnh đạo TP. Ông Dũng cho biết: “Để sản xuất ra những sản phẩm có hình ảnh 3D hoàn toàn mới, cần sự đầu tư rất lớn. Trong khi đó, tâm lý tiêu dùng chung của các em học sinh lẫn phụ huynh rất thích những sản phẩm có hình ảnh ăn theo các nhân vật hoạt hình. Nếu không có sự góp sức và định hướng từ ngành giáo dục, chắc chắn Hami sẽ không dám mạo hiểm để chuyển đổi sản xuất”.
TƯỜNG DÂN