1.Không phải ngẫu nhiên mà ông Tống Hữu Châu, một trong những người đi đầu về nuôi và dạy nuôi cá cảnh ở quận 12, đăng ký “chết một chỗ” tại phiên chợ nông sản lần 2 và 3 ở Công viên Làng hoa Gò Vấp do Hội Nông dân phối hợp với Sở Công thương TPHCM tổ chức từ ngày 1 đến 4-10. Lý do ông đưa ra là để người dân đến tham quan có thể dễ dàng nhận ra để mua bán hay tư vấn.
Nhiều người tham gia cũng mong muốn có thể tăng lên 2, 3 phiên chợ trong một năm thay vì 1 lần/năm như hiện nay. Vì theo bà con, họ cần nơi để trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm cũng như hợp tác, liên kết và ký các hợp đồng tiêu thụ dài hạn các sản phẩm nông nghiệp đô thị, qua đó hình thành thói quen đến các phiên chợ để tìm mua những sản phẩm ưa thích hoặc khám phá thêm các loại cây mới, con mới, cho người tiêu dùng. Được biết, phiên chợ lần 2 (năm 2014) có 120 gian hàng và một số tỉnh tham gia bán với doanh số 6 tỷ đồng, ký 17 hợp đồng. Điều này cũng giải thích vì sao phiên chợ lần 3 lại có đến 161 gian hàng của 100 cá nhân, đơn vị tham gia, trong đó có 3 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã và các tỉnh phía Nam. Riêng Hội Nông dân các huyện, quận của thành phố đã có 79 gian hàng. Sản phẩm chủ yếu là lan các loại, kiểng và tiểu cảnh, cá cảnh, cây giống các loại, kể các cây ăn trái... Ngoài ra còn có sản phẩm chế biến từ da cá sấu, hàng thủ công mỹ nghệ, mây - tre - lá, rau mầm, rau an toàn VietGAP, yến sào…
2. Nông nghiệp đô thị TPHCM với các sản phẩm đặc trưng như lan nhiệt đới các loại, cây kiểng, cá cảnh… hiện đang phát triển khá mạnh. Vậy nhưng, việc tiêu thụ sản phẩm lại là khâu yếu nhất. Dù thành phố có trên 270 điểm kinh doanh cá cảnh và trên 1.000 điểm kinh doanh hoa kiểng và tiếp tục mở thêm nhiều nơi, nhưng theo Hội Sinh vật cảnh thành phố, thương mại sinh vật cảnh nhìn chung vẫn còn tự phát, tạm bợ, nhỏ lẻ, thậm chí nhếch nhác. Để hỗ trợ cho việc chuyển đổi và đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế chủ yếu của nền nông nghiệp đô thị, cần có trung tâm mua bán chuyên ngành sinh vật cảnh, qua đó giải quyết việc đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến với người tiêu dùng thành phố và các tỉnh.
Theo Hội Sinh vật cảnh TPHCM, cần phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ sinh vật cảnh đủ lớn, nhằm đảm bảo việc cung ứng thuận tiện với nhu cầu mua sắm của người dân thành phố và khu vực. Lý tưởng nhất là hình thành 3 trung tâm mua bán sinh vật cảnh, khoảng 2ha/trung tâm, tại các hướng thích hợp, đồng thời xây dựng hệ thống các điểm bán lẻ ở mỗi quận, huyện, nhất là nơi đông dân cư.
ĐĂNG LÃM