Làm việc với ngành y tế TP mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh phải đẩy nhanh tự chủ hoàn toàn tại các bệnh viện công lập, giao quyền và trách nhiệm tối đa. Tuy nhiên trong thực tế, thực hiện tự chủ có bệnh viện sống được nhưng cũng có bệnh viện… khó sống!
Bệnh viện quận tự chủ “sống khỏe”
Mới 6 giờ sáng nhưng khuôn viên Bệnh viện quận Bình Thạnh TPHCM đã chật cứng người bệnh. Tất cả các bộ phận tư vấn, tiếp nhận người bệnh đều được đặt ra ngoài hành lang để tiện cho bệnh nhân tiếp xúc. Bác sĩ Lê Hoàng Quí, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, bệnh nhân đến khám tăng lên có lúc 3.000 lượt/ngày (năm 2014 và 2015 dao động từ 2.000 - 2.500 lượt bệnh/ngày). Theo BS Quí thì đa số bệnh nhân có bảo hiểm y tế (chiếm 85%) với khoảng 260.000 thẻ. “Từ lúc tự chủ hoàn toàn đến nay thì lượng bệnh nhân tăng lên thấy rõ.
Các công việc điều hành cũng được sắp xếp lại trôi chảy”, BS Quí phấn khởi cho biết. Là một trong những bệnh viện cấp quận hạng 2 thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính từ đầu năm 2015, Bệnh viện quận Bình Thạnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hút và làm hài lòng người bệnh. Bệnh viện đã áp dụng quy trình khám chữa bệnh một chiều từ tiếp nhận, xét nghiệm, lãnh thuốc… tại chỗ, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. “Ngoài chuyên môn kỹ thuật được nâng lên, bệnh viện nêu cao thái độ phục vụ, hướng tới làm hài lòng người bệnh”, BS Quí nói. Điều đáng nói, qua tự chủ tài chính, Bệnh viện quận Bình Thạnh vẫn đảm bảo thu nhập, đời sống cho cán bộ, y bác sĩ, có tích lũy. “Từ nguồn tích lũy, bệnh viện đang xây thêm khu dịch vụ kỹ thuật cao và sắp đưa vào sử dụng, đáp ứng hơn nhu cầu của người bệnh”, BS Quí cho biết.
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện quận Bình Thạnh (TPHCM) - bệnh viện cấp quận tự chủ hoàn toàn tài chính từ 2015
Theo Sở Y tế TPHCM, đến nay đã có 7 bệnh viện tự chủ hoàn toàn về tài chính, 43 bệnh viện tự chủ một phần, 3 bệnh viện phải “uống sữa” bao cấp. Những bệnh viện tự chủ được áp dụng theo Nghị định 43/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Nghị định 43 là giá thu chưa được tính đủ chi phí, mặc dù là đơn vị tự chủ hoàn toàn (không nhận ngân sách nhà nước) nhưng trong giá dịch vụ khám chữa bệnh (viện phí) của các bệnh viện này chưa được kết cấu hai chi phí quan trọng là chi phí tiền lương và khấu hao tài sản. Do đó, trong một thời gian dài, bệnh viện không có nguồn thu để tái đầu tư, phải xã hội hóa trang thiết bị, phải tổ chức hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu để có nguồn tài chính bù đắp. Từ đó, bắt đầu nảy sinh tình trạng tự tung tự tác, lạm dụng dịch vụ tràn lan. Hầu hết các bệnh viện công tại TPHCM đều đua nhau mở các khoa dịch vụ, khoa khám chữa bệnh ngoài giờ, xã hội hóa mua sắm máy móc…
Không tự chủ được thì… chết
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, tiến tới tính đủ, nên bệnh viện công sẽ không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí mà sẽ phải hoạt động bằng nguồn thu từ bệnh nhân. “Bệnh viện muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; nếu không, người bệnh quay lưng lại với mình hoặc cơ quan BHXH sẽ không ký hợp đồng, coi như bệnh viện tự chết!”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhìn nhận. Theo quyết định của Bộ Y tế, từ ngày 1-3-2016, giá dịch vụ khám chữa bệnh đã được điều chỉnh theo hướng tăng. Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Y tế), giá dịch vụ y tế không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí khám chữa bệnh cho bệnh viện, mà quan trọng hơn cả là cơ sở để cơ quan BHXH thay mặt cho người dân thanh toán cho bệnh viện.
Do đó, bệnh viện không thu hút được người bệnh thì BHXH cũng không ký hợp đồng. Nghị định 16/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 43) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực kể từ 6-4-2015 cũng chỉ rõ mục tiêu hướng tới là các đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động càng nhiều thì mức độ tự chủ càng cao. Thực tế, với việc Bộ Y tế liên tục điều chỉnh viện phí tăng lên và tiến tới thu đúng, thu đủ, việc các bệnh viện công phải tự chủ tài chính là tất nhiên. Thế nhưng, hiện vẫn còn phần lớn các bệnh viện yếu kém về cơ sở vật chất, chuyên môn, chưa thu hút được người bệnh nên khả năng tự chủ gặp rất nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo một bệnh viện quận thì bệnh viện vẫn đang là hạng 3, yếu kém về mọi mặt nên rất khó tạo được nguồn thu! “Bảo hiểm y tế đã liên thông thì bệnh nhân cứ chọn bệnh viện tốt mà vào. Đương nhiên, các bệnh viện yếu kém thì càng yếu kém”, giám đốc một bệnh viện quận ngậm ngùi…
Mới đây, tại buổi làm việc với Đảng ủy Sở Y tế, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh, các đơn vị y tế công lập phải tiến tới tự chủ hoàn toàn. Thậm chí được giao quyền tự chủ trong tổ chức cán bộ, tuyển dụng, đào tạo… nhằm nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, lộ trình của Bộ Y tế là đến năm 2018 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý và cả khấu hao tài sản. Từ đó, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ quy định một mức giá chung đối với mỗi loại dịch vụ y tế, áp dụng chung cho hệ thống tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc. Vì vậy, việc các bệnh viện phải tự chủ hoàn toàn là tất yếu!
TƯỜNG LÂM