Tự chủ hay tự tung tự tác?

Dư luận chưa hết lo lắng về đề xuất tăng giá hàng trăm loại dịch vụ y tế thì Bộ Y tế lại vừa khuyến khích các bệnh viện (BV) công lập tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm theo hướng “tăng thu, bù chi”.
Tự chủ hay tự tung tự tác?

Dư luận chưa hết lo lắng về đề xuất tăng giá hàng trăm loại dịch vụ y tế thì Bộ Y tế lại vừa khuyến khích các bệnh viện (BV) công lập tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm theo hướng “tăng thu, bù chi”.

  • Đủ kiểu lạm thu

Đợi suốt hơn 2 giờ, bệnh nhân N.T.G. (ngụ TPHCM) mới đến lượt vào phòng số 5 của Khu khám và điều trị kỹ thuật cao BV Bình Dân TPHCM. Vừa hỏi sơ qua bệnh tình và được bệnh nhân cho biết nghi ngờ mắc sỏi thận, bác sĩ liền kê ngay vào tờ giấy chỉ định siêu âm bụng, chụp X-quang. Hết một buổi sáng cho 2 kỹ thuật trên, bệnh nhân G. quay lại phòng khám ban đầu và được bác sĩ “phán” tiếp đi xét nghiệm nước tiểu, máu. Nhưng rút cục, bệnh nhân G. chỉ bị sỏi thận bên trái 16mm và bác sĩ cho thuốc lợi tiểu về nhà uống.

Tương tự, bị tông xe và trầy xước chân tay nhẹ nhưng khi được đưa cấp cứu tại BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, bệnh nhân L.V.T. được bác sĩ chỉ định nào là chụp X-quang tay, chân và để chắc ăn, bác sĩ còn chỉ định đi chụp não (MSCT) xem có bị tụ máu đầu hay không mặc dù bệnh nhân cho biết phần đầu không có va chạm. Tuy nhiên, do MSCT của bệnh viện là “hàng dịch vụ” nên bệnh nhân phải bỏ ra gần 700.000 đồng để chụp…

Bệnh nhân ngồi đợi đóng tiền tại Khu Khám và Điều trị dịch vụ kỹ thuật cao Bệnh viện Bình Dân.Ảnh: Tg.Lâm

Bệnh nhân ngồi đợi đóng tiền tại Khu Khám và Điều trị dịch vụ kỹ thuật cao Bệnh viện Bình Dân.Ảnh: Tg.Lâm

Chuyện bệnh nhân mỗi lần đi thăm khám bị bác sĩ chỉ định chụp, chiếu, xét nghiệm tới cả chục loại không còn mới mẻ. Cách nay chưa lâu, bệnh nhân N.V.B. (ngụ quận 3, TPHCM) kể lại chuyện cười ra nước mắt khi đi khám dạ dày tại một bệnh viện công hạng 1 của TPHCM được bác sĩ chỉ định cả… điện tâm đồ. “Khám chưa được 3 phút, bác sĩ đã liệt một danh sách dài ngoằng yêu cầu nào là nội soi, điện tâm đồ, chụp X-quang, xét nghiệm máu, siêu âm bụng… Nhìn mà choáng. Không chỉ mất thời gian chờ đợi mà chi phí cũng ngót nghét cả triệu đồng. Khi tôi hỏi một bác sĩ quen mới biết phân nửa chỉ định của bác sĩ là thừa” - ông B. cho biết.

Bên cạnh việc lạm dụng chụp – chiếu, giá các kỹ thuật, khám dịch vụ theo kiểu tự chủ tài chính “tăng thu, bù chi” của các BV công cũng cao ngất ngưởng từ nhiều năm qua. Điều đáng nói là giá “dịch vụ” ấy do chính ban giám đốc BV đề ra và giám đốc BV tự quyết. Nếu như giá khám theo quy định 3.000 đồng/lần thì khám dịch vụ ở BV Nhi đồng 2 TPHCM, mỗi lần mất “tiền vé” 60.000 đồng; tại BV Nhân dân 115 là 70.000 đồng/lần, khám theo yêu cầu 100.000 đồng/lần cho người trong nước, 200.000 đồng/lần cho người nước ngoài; ở BV Bình Dân là 50.000 đồng/lần… Giá siêu âm dịch vụ ở BV Ung bướu TPHCM là 150.000 đồng/lần, ở BV Nhân dân 115 là 80.000 đồng… Chưa hết, phí giường dịch vụ cũng là điều đáng nói. BV Ung bướu thu 100.000 đồng/giường/ngày, BV Từ Dũ lên tới hơn 500.000 đồng/giường/ngày.

  • Lạm dụng dịch vụ

Mới đây, Bộ Y tế đã bàn thảo về Đề án thí điểm đổi mới cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các BV công lập. Theo Bộ Y tế, việc triển khai tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43 ở các BV công thời gian qua là khá hiệu quả, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế có phải vậy hay là cơ hội để các BV công tăng thu vô tội vạ?

Từ năm 2007, 36 đơn vị y tế công lập của TPHCM đã triển khai tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, biên chế và tài chính. Sau gần 4 năm triển khai, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, bắt đầu nảy sinh tình trạng tự tung tự tác, lạm dụng dịch vụ tràn lan. Hiện hầu hết các BV công tại TPHCM đều đua nhau mở các khoa dịch vụ, khoa khám chữa bệnh ngoài giờ, xã hội hóa mua sắm máy móc… Nói chung, cái gì làm dịch vụ được, BV đều không bỏ qua. Bên cạnh việc được phép huy động nguồn vốn bên ngoài, vốn kích cầu, BV còn thu hút đầu tư đóng góp của cán bộ y bác sĩ để làm… dịch vụ. Chẳng hạn y bác sĩ của một BV góp tiền mua một máy siêu âm, đương nhiên khi bệnh nhân nhập viện, không siêu âm cũng bắt siêu âm để… tăng thu.

Trong khi đó, theo tìm hiểu, hiện nay hầu hết các BV công lập tại TPHCM đều hoạt động dịch vụ trên cơ sở máy móc, thiết bị được đầu tư từ vốn vay kích cầu của TP. Chưa hết, ngoài việc không phải trả lãi vay, cán bộ y bác sĩ đã được nhà nước trả lương, cơ sở vật chất của nhà nước đầu tư không được khấu trừ thì hoạt động dịch vụ còn tận dụng điện, nước mà không hạch toán… Đó là chưa kể tạo ra sự mất công bằng giữa công - tư, phân biệt đối xử với bệnh nhân.

Đáng nói hơn, với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm làm “nảy nòi” ra đủ các thứ dịch vụ thì quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng gồng gánh không ít cho cơ chế này. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã không ít lần đau đầu vì tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm, kỹ thuật cao bằng đủ mọi cách của các BV. BV càng xã hội hóa đầu tư trang thiết bị y tế nhiều thì càng có nhiều cách móc quỹ BHYT.

Kết quả khảo sát mới đây của Bộ Y tế ở 18 BV công cũng cho thấy, cơ chế tự chủ là cớ để BV tận dụng càng nhiều càng tốt chỉ định làm các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ có mức thu cao. Một bác sĩ đang công tác ở BV hạng 1 của TPHCM, nhìn nhận: “Cứ chỉ định chụp chiếu thoải mái, có gì đã có BHYT trả. Miễn là đừng nằm ngoài danh mục của BHYT là được”. Ngay cả thuốc cũng không loại trừ, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, danh mục được chi trả BHYT ở nước ta gồm khoảng hơn 20.000 loại thuốc nhưng năm nào cũng… hụt hơi vì bác sĩ “xài” quá sang.

Không thể phủ nhận cơ chế tự chủ đã giúp một số BV công có thể huy động vốn mua sắm trang thiết bị hiện đại, mà nếu chỉ trông chờ vào ngân sách chắc chắn còn lâu mới với tới được. Tuy nhiên, nếu không có sự kiểm soát thì “tự chủ” sẽ khó tránh khỏi “tự tung tự tác”. Và liệu khi khung giá viện phí, dịch vụ y tế mới của Bộ Y tế được chấp thuận, giá các dịch vụ “tự chủ” ở các bệnh viện công có đội lên?

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục