Từ Đại Nam nghĩ về Thảo Cầm viên

Từ Đại Nam nghĩ về Thảo Cầm viên

Sau gần 1 tháng chính thức hoạt động vườn bách thú tại Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (phường Hiệp An thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương) đã tạo được nhiều ấn tượng với du khách.

Với cách tổ chức khoa học, có nhiều chủng loại thú quý hiếm, khung cảnh thoáng mát, sạch sẽ, vườn bách thú đã chiếm được cảm tình của khách tham quan. Được biết, vườn bách thú này xây dựng chỉ hơn 2 năm trên một khu đất trống rộng 12,5ha với hơn 100 loài thú và gần 700 con thú. Có nhiều loại thú quý hiếm được nhập từ các nước như hổ trắng (Mexico), sư tử trắng (Nam Phi), tê giác, ngựa vằn, linh dương sừng kiếm…

Đây là vườn bách thú đầu tiên trong cả nước được thiết kế theo hướng mở (open zoo). Các loài thú không bị nhốt trong những lồng sắt, chuồng bê tông mà được nuôi thả trong môi trường sinh thái thiên nhiên. Nhiều loài thú sống chung, hòa hợp trong hệ sinh thái thu nhỏ. Tuy vườn bách thú Đại Nam được xây dựng hoành tráng nhưng kinh phí đầu tư chỉ có 50 tỷ đồng, trong đó trị giá thú chiếm 24 tỷ đồng.

Từ Đại Nam nghĩ về Thảo Cầm viên ảnh 1

Tê giác tại vườn bách thú Đại Nam. Ảnh: SONG PHA

Nhiều du khách sau khi tham quan vườn bách thú Đại Nam không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về Thảo Cầm viên (TPHCM). Không ít du khách đã so sánh: Vườn bách thú Đại Nam được sinh sau đẻ muộn hơn nhiều so với Thảo Cầm viên nhưng họ đã làm được nhiều điều đáng ghi nhận.

Trong khi đó, Thảo Cầm viên được thừa hưởng cơ sở vật chất sẵn có (kể cả thú được nhiều nước cho tặng), có lợi thế địa lý khi nằm ở vị trí đắc địa - ngay trung tâm thành phố, nhưng nhiều năm qua Thảo Cầm viên hoạt động còn mờ nhạt, cộng thêm chuồng trại nuôi thú xuống cấp, số lượng thú quý hiếm không nhiều nên không còn hấp dẫn du khách đến tham quan.

Tiền thu bán vé vào cổng không đủ trang trải chi phí chăm sóc thú và trả lương cho đội ngũ gần 300 cán bộ công nhân viên của Thảo Cầm viên nên ngân sách thành phố hiện nay phải bù lỗ mỗi năm khoảng 27 tỷ đồng. Tính ra, với số tiền bù lỗ 2 năm cho Thảo Cầm viên, TP có thể xây dựng mới một vườn bách thú hiện đại như tại Khu du lịch Đại Nam.

Thiết nghĩ, để giảm chi phí bù lỗ cho Thảo Cầm viên và một số vườn thú của nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả, nên chăng cần thay đổi cách quản lý thiếu linh hoạt như hiện nay. Chúng tôi nhận thấy rằng, vườn thú tư nhân không những đã làm tốt công tác bảo tồn, nhân giống thú quý hiếm, mà còn tổ chức các lớp dã ngoại tham quan vườn thú nhằm giáo dục cho các em nhỏ, học sinh biết yêu quý động vật hơn.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiến hành xây dựng cơ chế mới như cho đấu thầu, giao khoán chăm sóc vườn thú nhằm phát huy hết tiềm năng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Thảo Cầm viên. Có như vậy ngân sách TP không phải tiêu tốn hàng chục tỷ đồng mỗi năm để bù lỗ mà trái lại còn có khoản thu từ việc đấu thầu chăm sóc thú. 

TRẦN THANH

Tin cùng chuyên mục