(SGGPO). - Sáng nay (31-5), Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực; dự án Luật Dự trữ quốc gia; dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
Nhà nước cần quy định khung giá bán điện
Theo tờ trình của Chính phủ, trong quá trình thực thi Luật Điện lực, việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện trong thời gian qua chưa bảo đảm tính kịp thời so với sự biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá. Giá bán điện bình quân càng ngày càng thấp hơn so với giá thành sản xuất kinh doanh điện nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào, nên chưa đáp ứng được yêu cầu giảm rủi ro cho doanh nghiệp sản xuất điện khi thị trường nguyên, nhiên liệu và điều kiện thủy văn biến động lớn; chưa thu hút các thành phần kinh tế đầu tư; chưa đảm bảo yêu cầu giá điện được tính đúng, tính đủ để khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống lưới truyền tải, phân phối điện; chưa tạo động lực cho khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, ở nước ta vì điện năng là một loại hàng hoá đặc biệt, việc điều chỉnh giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân nên giá điện vẫn phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Do đó, để giá điện có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt theo tín hiệu của thị trường nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý của Nhà nước thì cần quy định theo hướng: cơ chế xây dựng và điều chỉnh giá điện do Thủ tướng Chính phủ quy định trên nguyên tắc tuân thủ các chính sách giá của Luật Điện lực; các chi tiết về cơ cấu biểu giá (là các nội dung mang tính kỹ thuật) cần giao cho cơ quan chuyên ngành thực hiện để nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả trong giải quyết công việc theo tinh thần cải cách hành chính của Nhà nước.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực của Bộ Tư pháp, cho rằng, dự thảo Luật Giá đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 3 đã đưa điện vào danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá. Như vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự án luật trong hệ thống pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần giải trình thêm về việc ưu tiên áp dụng Luật Điện lực trong việc thực hiện chính sách giá điện nhằm bảo đảm thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường - cơ quan thẩm tra, cho rằng, ngành điện hiện nay và trong thời gian tới vẫn do doanh nghiệp nhà nước độc quyền chi phối. Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền trong khi điện là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế - xã hội của cả nước. Với các phân tích trên, cơ quan thẩm tra đề nghị luật Điện lực sửa đổi phải theo hướng Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân. Giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực quyết định trên cơ sở khung giá, nhằm phù hợp với dự thảo Luật Giá.
Ngoài ra, Chính phủ cần phải làm rõ hơn căn cứ tính giá điện sẽ dựa vào kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước. Cơ cấu giá điện cần quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn trong dự thảo luật để làm cơ sở tính toán, kiểm tra, giám sát. Nhiều quốc gia cũng đã thực hiện việc công khai cơ cấu giá điện ngay trong hóa đơn trả tiền điện của khách hàng.
Ân hạn thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Điều 42 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định về thời hạn nộp thuế xuất nhập khẩu đã giúp doanh nghiệp chủ động và linh hoạt sử dụng các luồng tiền để nộp thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, do cơ chế thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp có thể không thường xuyên thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, nên có tình trạng lợi dụng chính sách để chây ỳ nợ thuế, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể. Đồng thời quy định này dẫn đến sự bất lợi cho hàng hoá sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đa số các nước không cho nợ thuế đối với hàng hoá nhập khẩu, phải nộp thuế trước khi nhận hàng (Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Campuchia, Lào...); Một số nước cho chậm nộp thuế nhưng phải có bảo lãnh (Anh), hoặc cho nộp chậm với điều kiện có tài khoản do cơ quan Hải quan quản lý để đảm bảo việc nộp thuế (New Zealand).
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Huệ, dự thảo Luật sửa đổi Điều 42 theo hướng: người nộp thuế phải nộp thuế trước thời điểm thông quan hoặc giải phóng hàng và áp dụng ân hạn nộp thuế chỉ khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng (275 ngày đối với nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, 15 ngày đối với hàng hoá tạm nhập tái xuất, 30 ngày đối với trường hợp khác).
Đến ngày cuối cùng của thời hạn bảo lãnh ghi trên thư bảo lãnh nếu người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có), tổ chức nhận bảo lãnh phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp (nếu có) theo mức 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp thay cho người nộp thuế.
Thẩm tra về dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cần làm rõ căn cứ để quy định thời hạn bảo lãnh đối với từng loại hàng hóa; rút ngắn thời hạn bảo lãnh đối với hàng gia công xuất khẩu xuống 180 ngày (thay vì 275 ngày như dự thảo luật) hoặc theo thời gian quy định của chu kỳ sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách còn băn khoăn cho rằng, áp dụng ân hạn thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
NGỌC QUANG
Ảnh: MINH ĐIỀN