Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, trong khi các cánh quân của ta thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn thì có một cánh quân khác là Đoàn 126 Đặc công Hải quân (còn gọi là Đặc công nước) đã vượt lên ngàn trùng sóng biển tiến ra giải phóng nhiều hòn đảo trên quần đảo Trường Sa, buộc kẻ thù phải tháo chạy. 40 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, Quân chủng Hải quân Việt Nam đã lớn mạnh vượt bậc, tiến thẳng lên hiện đại, theo đó đã được trang bị nhiều tàu ngầm Kilo mang tên các thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…
Đến Quân cảng Cam Ranh, chúng tôi ngắm quang cảnh nơi đây tuyệt đẹp với biển xanh, trời xanh, cát trắng, hoa vàng đang khoe mình trong nắng. Ngoài bến cảng lộng gió là chiếc tàu ngầm HQ 183 mang tên Thành phố Hồ Chí Minh sừng sững dưới biển trông như con cá mập khổng lồ đang yên giấc ngủ ngày. Trên mũi tàu ngầm là lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay, trên boong tàu là những chiến sĩ Hải quân Việt Nam bồng súng canh gác trong tư thế tự tin làm chủ chiếc tàu ngầm Kilo hiện đại.
Thượng tá Nguyễn Văn Bách, Thuyền trưởng tàu ngầm HQ 183 mang tên Thành phố Hồ Chí Minh, luôn tự hào về hậu phương vững chắc của mình, nơi có người vợ hiền chung thủy và hai đứa con ngoan giỏi. Do điều kiện công tác khá đặc thù nên anh thường xa nhà, có khi lâu ngày đến nỗi về nhà con nhỏ không nhận ra bố! Chúng tôi thắc mắc: “Làm chiến sĩ tàu ngầm có gì đặc biệt hơn các lính chiến khác?”, thượng tá Bách cho biết: “Tiêu chuẩn lựa chọn sĩ quan tàu ngầm rất khắt khe, đòi hỏi phải có trình độ kiến thức cao, sức khỏe tốt, chỉ số thông minh (IQ) cao để làm chủ các phương tiện và vũ khí hiện đại trên tàu…”.
Chiến sĩ tàu ngầm trước giờ lên tàu làm nhiệm vụ.
Hầu hết cán bộ, sĩ quan tàu ngầm còn rất trẻ, người “già” nhất chỉ khoảng 40 tuổi, người trẻ nhất 22. Các cán bộ, sĩ quan tàu ngầm đều phải trải qua các khóa đào tạo, huấn luyện dài hạn tại các trường lớp quân sự như: Học viện Hải quân, Kỹ thuật quân sự, ngoại ngữ… sau đó sang tu nghiệp tại các nước Anh, Nga, Ấn Độ… để sử dụng thành thạo ngoại ngữ và phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại trên tàu.
Thượng tá Bách cho biết anh đã học suốt 14 năm (kể từ khi tốt nghiệp Học viện Hải quân) để trở thành một thuyền trưởng tàu ngầm hiện đại như hôm nay. Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân, về đơn vị công tác, anh được chọn đi đào tạo lớp tàu ngầm Kilo hiện đại, thế là anh cùng đồng đội xách ba lô sang Nga học tập. Khi trở về làm chủ chiếc tàu ngầm hiện đại, với kiến thức được trang bị đầy đủ, anh tỏ ra rất tự tin. Làm chiến sĩ tàu ngầm đã khó, làm thuyền trưởng tàu ngầm càng khó hơn, vì tất cả các phương tiện, thông số kỹ thuật trên tàu ngầm đều rất tinh vi, hiện đại, đòi hỏi mỗi cán bộ, sĩ quan đều phải biết sử dụng thành thạo và đảm bảo độ chính xác đến từng giây. Khi tàu ngầm đi làm nhiệm vụ, người thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm từ chỉ huy tác chiến đến các quyết định nhỏ nhất để con tàu ra khơi an toàn và khi trở về thì hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Để có một đội quân tinh nhuệ làm chủ tàu ngầm hiện đại được ví như “hố đen đại dương”, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ phải tuân theo một chế độ tập luyện nghiêm ngặt. Theo trung tá Nguyễn Văn Quán, Thuyền trưởng tàu ngầm mang tên Hà Nội: “Những ngày lặn ở độ sâu kỷ lục hàng trăm mét, các chiến sĩ tàu ngầm của ta rất tự tin vì hoàn toàn làm chủ các phương tiện hiện đại trên tàu và luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc…”.
Tại Lữ đoàn tàu ngầm 189 có hẳn trung tâm huấn luyện hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với mô hình tàu ngầm giống y như thật, với các khoang tàu có máy móc hiện đại, phương tiện kỹ thuật hiện đại, hệ thống tạo sóng giật cấp 5, 6 trở lên có độ rung lắc dữ dội y như ngoài biển. Ngoài ra còn có mô hình tập luyện chống cháy, chống chìm, thoát hiểm…
Đại tá Trần Thanh Nghiêm, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189, còn rất trẻ nhưng đầy bản lĩnh khi báo tin vui: “Hai tàu ngầm mang tên Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về Việt Nam được gần một năm nhưng đã có tới 16 chuyến đi biển. Tàu ngầm HQ 182 mang tên Hà Nội đã lập kỷ lục đi biển 195 giờ liên tục, tương đương hơn 8 ngày, 8 đêm lặn liên tục dưới biển. Tàu ngầm HQ 183 mang tên Thành phố Hồ Chí Minh có thời gian đi biển dài ngày tương đương và đã lặn đạt kỷ lục độ sâu giới hạn của tàu ngầm. Chiến sĩ tàu ngầm luôn rèn luyện để xứng đáng với niềm tin của nhân dân TPHCM nói riêng và nhân dân cả nước nói chung…”.
Những chuyến lặn biển dài ngày như trên đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sự tự tin, lòng dũng cảm và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của người chiến sĩ tàu ngầm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Dù gian nan vất vả nhưng các chiến sĩ tàu ngầm vẫn nguyện dâng hiến sức trẻ cho Tổ quốc, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.
MINH NGỌC