Gần đây, nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của Đà Lạt - Lâm Đồng dồn dập những tin không vui. Khoai tây Đà Lạt bị khoai nhập ngoại giá rẻ “đội lốt”; hồng Đà Lạt rớt giá và khó bán vì bị đồn có xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan; trà tồn kho hàng ngàn tấn vì không vượt qua được những rào cản kỹ thuật do đối tác tiêu thụ đặt ra…
Nông sản khó tiêu thụ, ngoài những khó khăn chung mang tính vĩ mô, thì những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông sản tại Đà Lạt - Lâm Đồng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận lại cách làm của mình. Có lẽ điển hình, nhức nhối và dai dẳng nhất là chuyện nhập khoai tây Trung Quốc giá rẻ về, trộn đất đỏ Đà Lạt vào rồi tung ra thị trường để nhùng nhằng xuất xứ. Người tiêu dùng bị đánh lừa, uy tín khoai tây Đà Lạt bị ảnh hưởng. Và người trực tiếp gây ra điều đó không ai khác chính là những tiểu thương kinh doanh khoai tây Trung Quốc tại Đà Lạt.
Với trái hồng, tuần trước, lãnh đạo UBND thị trấn D’ran huyện Đơn Dương, vùng hồng lớn nhất Lâm Đồng (khoảng 1.000ha) đã gửi thư mời báo chí về địa phương viết bài để “minh oan” cho trái hồng. Theo đó, thời gian gần đây, hồng Đà Lạt rớt giá và khó bán vì tin đồn thất thiệt cho rằng đó là hồng Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan. Sở dĩ có tình trạng này là vì trong quá trình đóng gói đưa đi tiêu thụ, bà con đã dùng các loại thùng giấy có nhãn mác nước ngoài. Theo giải thích của các chủ vựa hồng, họ dùng bao bì ngoại vì giá thấp hơn bao bì sản xuất trong nước và chất lượng tốt hơn. Như vậy, cũng vì ham lợi trước mắt mà người sản xuất và phân phối hồng tại chính địa phương này bị “gậy ông đập lưng ông”.
Mới đây nhất, ngày 3-11, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện hơn 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trà trên địa bàn đã cùng ngồi lại để bàn cách tìm đầu ra cho sản phẩm trà. Ngoài các nguyên nhân khách quan, việc hàng ngàn tấn trà của Lâm Đồng đang tồn kho còn do sự chủ quan của người sản xuất, kinh doanh trà. Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng thẳng thắn nêu ra tại hội nghị rằng: nhiều người sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định; một số nông dân vẫn sử dụng thuốc cấm trên cây trà, không đảm bảo thời gian cách ly, dẫn đến dư lượng vượt mức cho phép. Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp chế biến trà xanh và trà đen không kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, nhất là giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, do đó chất lượng sản phẩm không đảm bảo.
Tìm đầu ra ổn định cho nông sản là việc làm cần sự cộng đồng trách nhiệm, từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến nông dân. Nhưng vấn đề quyết định vẫn là những người đảm nhiệm khâu làm ra sản phẩm, tức là nông dân và doanh nghiệp. Nếu người sản xuất làm ăn kiểu “chụp giật” như nói trên thì sẽ tự mình làm khó mình.
NAM VIÊN