Tự lực cánh sinh

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 23-11 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ công bố một loạt quy định ngân hàng mới, theo đó yêu cầu các ngân hàng nước ngoài lớn đang hoạt động tại liên minh này phải lập quỹ dự phòng lên tới nhiều tỷ USD.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 23-11 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ công bố một loạt quy định ngân hàng mới, theo đó yêu cầu các ngân hàng nước ngoài lớn đang hoạt động tại liên minh này phải lập quỹ dự phòng lên tới nhiều tỷ USD.

Nếu được EU thông qua thành luật, những quy định mới này có thể yêu cầu những ngân hàng lớn của Mỹ như Goldman Sachs và JP Morgan cũng phải lập quỹ dự phòng tại châu Âu để giải quyết các tình huống khẩn cấp khi các hoạt động của những ngân hàng này tại EU bị đóng cửa. Năm 2014, Mỹ đã khiến EU tức giận khi bất ngờ yêu cầu những ngân hàng lớn của châu Âu như Deutsche Bank (Đức) để lại hàng tỷ USD tại Mỹ đề phòng trường hợp xảy ra sự cố tại các chi nhánh ngân hàng này gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân Mỹ. EU cho rằng số tiền này sẽ làm gia tăng chi phí và có nguy cơ tạo ra phản ứng bảo hộ ở châu Âu.

Tờ Financial Times nhận định, quyết định mới của EU có thể buộc các ngân hàng Mỹ huy động hàng tỷ EUR để duy trì hoạt động ở châu Âu và cũng ám chỉ đây là một trong những phản ứng mới nhất của EU về sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Ngay sau khi kết quả bầu cử Mỹ vừa công bố, EU đã lập tức ứng phó, trước tiên là toàn bộ ban lãnh đạo khối tổ chức họp bất thường khẩn cấp mà nội dung tập trung vào cách giải quyết mâu thuẫn về hàng loạt chính sách chính trị, quân sự, kinh tế, an ninh giữa Mỹ và EU có khả năng xảy ra khi ông Donald Trump nắm quyền. Kế đến Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker tuyên bố với giới truyền thông rằng, việc thành lập một quân đội riêng của châu Âu là không thể tránh khỏi vì trong tương lai nước Mỹ sẽ không còn mấy quan tâm đến sự an toàn của châu Âu. Ông Juncker cho biết, với việc tỷ phú Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ, kế hoạch này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực: “Họ đã giúp đỡ EU rất nhiều về bảo đảm an ninh, nhưng trong dài hạn họ sẽ không còn chăm sóc cho nền an ninh châu Âu. Đây là điều mà chúng ta phải tự làm”.

Vị quan chức EU nhấn mạnh, châu Âu cần thúc đẩy tiến trình mới cho chủ đề thành lập một liên minh phòng thủ châu Âu nhằm thay thế cho vai trò của người Mỹ. Nếu sáng kiến này được phê duyệt, khối quân sự chung châu Âu có thể sẽ nhanh chóng xuất hiện vào đầu năm 2018.

Chẳng thế mà Ngoại trưởng Pháp Jean - Marc Ayrault khi được hỏi về cuộc bầu cử ở Mỹ đã cho rằng, lãnh đạo EU nói chung và Pháp nói riêng phải biết cách đối mặt với mọi thách thức, đồng thời có khả năng bảo vệ tốt lợi ích cho công dân của nước mình: “Châu Âu không thể mềm yếu trong vấn đề này giống như trong trường hợp Brexit. Sau khi cử tri Mỹ bỏ phiếu ủng hộ việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, các nước thành viên EU cần phải sát cánh, chủ động hơn để tự bảo vệ mình trước mọi biến động” .


VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục