Từ ngày 1-1-2007: Chế độ bảo hiểm xã hội có gì mới?

Từ ngày 1-1-2007: Chế độ bảo hiểm xã hội có gì mới?

Từ ngày 1-1-2007: Chế độ bảo hiểm xã hội có gì mới? ảnh 1

Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007. So với những quy định trong Điều lệ BHXH (kèm theo Nghị định 12/CP) được áp dụng từ năm 1995 đến nay, Luật BHXH có nhiều thay đổi. Theo yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi trao đổi với ông Cao Văn Sang (ảnh), Phó giám đốc BHXH TPHCM, về những điểm mới của chế độ BHXH.

* Đề nghị ông giới thiệu khái quát về Luật BHXH mới.

- Đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam (trước đây không ghi rõ nội dung này), được áp dụng chung cho lực lượng vũ trang (trước có điều lệ riêng). Quỹ BHXH bắt buộc chia làm 3 thành phần gồm: quỹ ốm đau, thai sản: 3% quỹ lương (người sử dụng lao động nộp); quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp: 1% quỹ lương (người sử dụng lao động nộp); và quỹ hưu trí và tuất: 16% quỹ lương (người lao động nộp 5%, người sử dụng lao động nộp 11%) - từ năm 2010, cứ 2 năm một lần tăng 1% cho đến khi đủ 14% (đơn vị sử dụng lao động) và đủ 8% (người lao động).

Từ tháng 1-2009, thêm chế độ BHXH thất nghiệp, người lao động nộp 3%, người sử dụng lao động và ngân sách hỗ trợ (mỗi thành viên nộp 1%). Từng loại trợ cấp BHXH đều có một số thay đổi so với trước. Mức lương nộp BHXH được khống chế tối đa 20 tháng lương tối thiểu.

*  Xin ông cho biết chế độ hưu trí có những thay đổi như thế nào?

- Theo quy định hiện hành, những người có 10 năm công tác ở chiến trường B, C, K hoặc có đủ 30 năm đóng BHXH trở lên có đơn tự nguyện nghỉ hưu thì được nghỉ sớm 5 tuổi (nam đủ 55, nữ đủ 50 tuổi). Luật BHXH không quy định điều kiện này. Vì vậy, nếu muốn nghỉ sớm thì phải làm thủ tục nghỉ hưu ngay bây giờ. Nếu không, sang năm 2007 thì phải chờ đủ 60 tuổi (đối với nam) hoặc  55 tuổi (đối với nữ).

- Trường hợp hết tuổi lao động và đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm, bây giờ nghỉ thì được hưởng chế độ lương hưu hàng tháng, nhưng từ ngày 1-1-2007 không được giải quyết chế độ hưu (chỉ được hưởng trợ cấp BHXH một lần).

- Cách tính lương bình quân để hưởng lương hưu: Đối với những người hưởng theo thang bảng lương nhà nước, mức bình quân tính theo thời điểm bắt đầu đóng BHXH, cụ thể: Trước ngày 1-1-1995: bình quân 5 năm cuối. Từ ngày 1-1-1995 đến 31-12-2000: bình quân 6 năm cuối. Từ ngày 1-1-2001 đến 31-12-2006: bình quân 8 năm cuối. Từ ngày 1-1-2007: bình quân 10 năm cuối.

- Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu: Mỗi năm 0,5 tháng lương từ năm thứ 31 trở đi (đối với nam), từ năm thứ 26 trở đi (đối với nữ), không khống chế mức tối đa (quy định cũ mức hưởng tối đa 5 tháng).

* Về chế độ trợ cấp thai sản có gì mới, thưa ông?

- Trợ cấp thai sản có thay đổi để tránh lạm dụng quỹ BHXH. Cụ thể: Điều kiện hưởng trợ cấp trong thời gian nghỉ sinh con là phải đóng BHXH từ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng (trước đây chỉ quy định đang đóng BHXH nên tuy mới đóng 1 tháng cũng được giải quyết).

Mức trợ cấp trong thời gian nghỉ sinh con bằng 100% lương đóng BHXH bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ sinh (trước dây là 100% lương đóng BHXH của tháng trước khi sinh). Mức hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con (trước đây là 1 tháng lương đóng BHXH trước khi sinh).

Còn có một số điểm mới như: Lao động nữ là người tàn tật, khi sinh con được nghỉ và hưởng trợ cấp 6 tháng. Mẹ chết: cha được nghỉ đến khi con đủ 4 tháng tuổi và hưởng trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu.

* Còn điểm mới trong trợ cấp BHXH một lần?

- Những trường hợp sau đây được hưởng trợ cấp 1 lần: Tham gia BHXH 12 tháng mà hết tuổi lao động hoặc khả năng lao động suy giảm từ 61% trở lên nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu; đi định cư hợp pháp ở nước ngoài; đóng BHXH từ 12 tháng đến dưới 20 năm mà đã nghỉ việc 12 tháng nhưng không có việc làm mới để tiếp tục đóng BHXH. Mức trợ cấp cho những trường hợp trên: mỗi năm đóng BHXH được hưởng 1,5 tháng lương (quy định cũ: mỗi năm đóng BHXH được hưởng 1 tháng lương).

- Luật BHXH còn nhiều điểm mới nữa, như trước đây, quỹ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe được khoán 3% trên tổng số tiền nộp BHXH trong 1 năm, trường hợp đơn vị chưa sử dụng hết kinh phí thì được chuyển sang năm kế tiếp. Từ 1-1-2007, Luật BHXH không khoán nữa. Các đơn vị cân nhắc sử dụng hết quỹ này trong năm 2006, nếu còn thừa thì kinh phí đó không được cấp nữa. Từ 1-1-2007, mức trợ cấp nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe có tăng hơn trước: 25% lương tối thiểu/ngày = 112.500đ (tại nhà), 40% lương tối thiểu/ngày = 180.000đ (tập trung). Thời gian nghỉ dưỡng sức từ 5 đến 10 ngày trong một năm.

XUÂN HƯƠNG thực hiện

Tin cùng chuyên mục