Hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng… được bày bán công khai trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Khi người tiêu dùng phản ánh, cơ quan chức năng gặp lúng túng trong xử phạt do các văn bản pháp luật đã lỗi thời. Vì vậy, Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại (có hiệu lực từ hôm nay 1-1) kỳ vọng sẽ đưa hoạt động TMĐT tại Việt Nam đi vào nề nếp. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Hà Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường, Tổ trưởng tổ chuyên viên về TMĐT của Sở Công thương TPHCM xung quanh nghị định mới này.
- PV: Lâu nay, người tiêu dùng mua phải hàng hóa kém chất lượng trên mạng mà không biết “kêu” ai. Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy?
>> Ông HÀ NGỌC SƠN: Năm 2006, Nghị định 57 về TMĐT ra đời. Đến tháng 1-2008, Chính phủ ban hành tiếp Nghị định 06 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, trong đó có điều 52 quy định biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm có trong Nghị định 57. Tuy nhiên, các thông tư 09, 46 hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 lại ra đời sau. Lúc này Nghị định 06 không được sửa đổi, bổ sung kịp thời trở thành lạc hậu. Như vậy, trong suốt thời gian dài trước đây, mặc dù pháp luật có quy định cấm đoán nhưng khi cần xử phạt, cơ quan chức năng gặp lúng túng vì không biết viện dẫn cụ thể điều, khoản nào. Chính vì vậy, thời gian qua, chúng tôi chủ yếu chỉ xử phạt các website không thực hiện thủ tục đăng ký, còn các vi phạm về quy trình giao dịch trực tuyến, vi phạm về tính xác thực của thông tin sản phẩm thì rất khó áp dụng chế tài cụ thể để xử lý.
- Vậy sự ra đời của Nghị định 185 có bảo vệ được người tiêu dùng?
Nghị định 185 đã quy định đầy đủ biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT; đồng thời nêu rõ cơ quan chính có thẩm quyền/chịu trách nhiệm xử phạt là lực lượng quản lý thị trường và thanh tra chuyên ngành công thương. Hiện nay, việc quản lý các sàn TMĐT vẫn thuộc trách nhiệm của Cục TMĐT - Bộ Công thương. Tuy nhiên, căn cứ theo luật đã quy định, sàn giao dịch TMĐT có đăng thông tin hàng hóa kém chất lượng hoặc hàng trong danh mục cấm của Nhà nước, thì doanh nghiệp sở hữu sàn trước tiên phải chịu trách nhiệm. Kế đến, tổ chức, cá nhân trực tiếp bán hàng phải bị xử lý vì đã vi phạm pháp luật. Như vậy, khi Nghị định 185 có hiệu lực, các địa phương hoàn toàn có thẩm quyền để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực TMĐT. Hiện mức xử phạt hành chính theo nghị định này dao động từ 5 triệu đến 50 triệu đồng đối với từng hành vi vi phạm.
- Để Nghị định 185 đi vào thực tế và mang lại hiệu quả, TPHCM đã có kế hoạch gì?
TPHCM đã đi tiên phong trong cả nước khi UBND TP phê duyệt kế hoạch tuyên truyền, tổ chức thực hiện pháp luật TMĐT trên địa bàn. Trước mắt, ngay trong quý 1-2014, sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát số website TMĐT còn đang hoạt động; trong đó bao nhiêu web đã đăng ký/thông báo đúng quy định pháp luật. Sau khi làm tiếp bước khuyến cáo, lực lượng quản lý thị trường và thanh tra Sở Công Thương sẽ tập trung xử lý vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay, do lực lượng chuyên trách về TMĐT chưa có nên toàn bộ công việc rà soát thông tin nêu trên vẫn phải giao hết cho đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin của sở thực hiện. Do vậy, sở tiến hành sàng lọc, tìm ra những trường hợp có nhiều vi phạm, cố tình không chấp hành pháp luật dù đã khuyến cáo để xử lý “điểm”. Hoạt động này sau đó được thực hiện thường xuyên để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp TMĐT.
| |
TƯỜNG HÂN thực hiện