
Cách nói này đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thoạt tiên họ chỉ sở hữu ngôi nhà của mình, rồi bây giờ thì họ sở hữu cả con phố.
Thoạt tiên họ chỉ là một “nhà”: nhà văn, nhà văn hóa, danh tướng nhưng với những đóng góp kiệt xuất của mình cho dân tộc tên tuổi họ trở thành phố lớn.

Nếu chịu khó mày mò, ta có thể lần ra được không ít nhân vật mang tên phố mà lại từng có đất “sổ đỏ” ở Hà thành. Danh tướng Trần Khát Chân từng có cả một khu trang trại rộng lớn ở Hoàng Mai. Cụ Lý Thường Kiệt thì thoạt đầu ở làng An Xá, huyện Quảng Đức, sau chuyển sang làm nhà ở phường Thái Hòa, bên trong thành.
Đất ấy nay là làng Đại Yên, phường Ngọc Hà. Cụ Cao Bá Quát nhà ở ngay cái phố Đình Ngang, tới năm 1832 thì chuyển về ở khu vực gần hồ Tây, nghĩa là ở khu vực giữa phố Nguyễn Biểu và phố Đặng Dung bây giờ.
“Thánh Quát” đã vậy, còn “Thần Siêu”, tức Nguyễn Văn Siêu thì nhà ở chính con phố bây giờ mang tên ông. Quãng từ số 12 đến 14 của phố này, trước kia vừa là chốn ở vừa là nơi dạy học của ông, có tên là Phương Đình.
Với danh sĩ Đoàn Thị Điểm, mặc dù mẹ thì sống ở phố Hàng Bạc nhưng bản thân bà lại phiêu dạt nhiều nơi và trước khi theo chồng vào miền Trung bà đã từng sở hữu đất “sổ đỏ” ở xã Chương Dương. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì vừa “nhìn xa trông rộng” vừa lãng mạn nên làm nhà ở ven hồ Tây, nơi mà bất cứ người Hà Nội nào cũng mơ ước. Cha con cụ Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến thì “phố thị” hơn, ở ngay mặt tiền Hàng Đường…
Người xưa đã vậy, gần đây cũng có khá nhiều tên tuổi khác nữa được “lên phố” trong khi “sổ đỏ” nhà đất của họ vẫn còn rành rành ở sở nhà đất: Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tuân, Tố Hữu... Đại khái thì các nhân vật danh tiếng sống ở giữa chốn Hà thành và bất tử cũng ở chốn Hà thành này.
PHƯƠNG TÂN