Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi: Nhiều nông dân thoát nghèo

Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trở thành một trong những phong trào thiết thực của Hội Nông dân cả nước, đặc biệt là TPHCM, địa phương phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh diện tích sản xuất nông nghiệp giảm khá mạnh.
Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi: Nhiều nông dân thoát nghèo

Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trở thành một trong những phong trào thiết thực của Hội Nông dân cả nước, đặc biệt là TPHCM, địa phương phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh diện tích sản xuất nông nghiệp giảm khá mạnh.

 Điều trân trọng hơn, không chỉ làm giàu cho bản thân, những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn giúp người dân xung quanh thoát nghèo, có hộ trở nên khá giả. Ghi nhận những đóng góp này, tuần qua, TPHCM đã tặng bằng khen cho 148 nông dân và 5 tập thể sản xuất, kinh doanh giỏi.

Cần cù, chăm chỉ vươn lên làm giàu

20 năm trước, ông Đào Văn Vuông, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn là nông dân nghèo, làm mướn. Sau đó, ông tích cóp tiền đầu tư nuôi bò thịt, rồi ráng mua thêm một con nữa làm sức kéo. Lúc đó, ông phát hiện, lợi nhuận từ sức kéo cặp bò này còn nhiều hơn tiền làm thuê của nhiều lao động. Vốn là người nhanh nhạy, ông chuyển qua nuôi bò sữa. Thời gian đầu, việc chăn nuôi gặp khó khăn, do kỹ thuật nuôi bò sữa khác so với bò thịt. Không nản chí, ông Đào Văn Vuông học hỏi cách chăm sóc bò sữa.

Giờ đây, ông Vuông là chủ trại bò gần 200 bò sữa, trong đó 80 con đang cho sữa. Theo ông, muốn bò sữa “sống lâu” (chậm bị thải loại) phải hiểu từng con bò, theo dõi, chăm sóc và phát hiện sớm khi bò sữa gặp vấn đề về sức khỏe, có kiến thức để sơ cứu trước và nhanh chóng mời thú y đến chữa trị. Nếu chậm trễ, làm bệnh nặng thêm, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng sữa. Ông Vuông cho rằng, giờ đây vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là quan trọng nên khuyên người nuôi tuân thủ quy trình vệ sinh chuồng trại, sữa vắt ra phải đảm bảo chất lượng, giúp bán giá cao và cũng là để người sử dụng dùng sữa sạch. Nghiệm lại trường hợp thoát nghèo của mình, ông Vuông cho rằng, yếu tố cần có để nông dân thoát nghèo là phải có vốn đầu tư, có kiến thức chăn nuôi, có đầu ra ổn định và Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ sâu sát với bà con nông dân.

Những điển hình giao lưu tại Hội nghị sơ kết 3 năm phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Với ông Nguyễn Văn Bay, phường An Phú Đông, quận 12 cũng vậy. 20 năm trước, gia đình ông trồng lúa luôn gặp khó khăn. Có được gốc mai người bạn cho về trồng, 3 năm sau, ông bán được 1 triệu đồng. Đó là động lực khiến ông quyết định chuyển qua trồng mai. Sau đó, ông lấy số tiền bán mai tiếp tục mua mai gốc về trồng. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ông gặp không ít khó khăn. 3 năm đầu là thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ông chịu khó tìm hiểu, ghi chép nên tỷ lệ thành công cũng tăng dần lên từ 30% - 40% rồi 50% - 60%... Giờ ông có biệt danh là “vua mai”. Hiện nay trong vườn của ông có khoảng 2.000 gốc mai, trong đó gần 1.000 gốc của khách gửi nhờ chăm sóc. Bài học của ông là đầu tư mở rộng từ số tiền kiếm ra và tận tụy với nghề.

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Tâm, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi là điển hình nông dân trẻ. 6 năm trước, tốt nghiệp THPT, nhà khó khăn, ít vốn, anh theo cha đi làm và vắt sữa thuê. Khi đoàn thanh niên địa phương tổ chức khóa học thú y, anh Tâm tham gia rồi về nuôi heo từ vốn của Quỹ Thanh niên khởi nghiệp. Miếng đất khá rộng quanh nhà được anh chỉnh trang thành mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng. Hiện nay, anh nuôi 33 bò sữa, 4 heo nái với hàng chục heo con và ao cá. Chất thải từ chăn nuôi, anh làm hầm biogas. Công việc của anh từ 4 giờ sáng, thức dậy cho heo, bò ăn, sau đó vệ sinh chuồng trại, tắm bò để vắt sữa, rồi đi cắt cỏ cho bò. 2 giờ lại làm việc đến 6 giờ chiều mới xong.

Cải thiện đời sống nông dân

Có thể nói, những nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu này đều có chung đặc điểm là cần cù, biết học hỏi, chăm chỉ với công việc và biết tận dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước về vốn, kỹ thuật để phát triển sản xuất. Thu nhập của những hộ này mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng. Theo Hội Nông dân TP, 3 năm qua, có hơn 89.000 lượt hội viên nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó, cấp TP trên 3.500 lượt hộ, cấp huyện trên 15.000 lượt hộ, còn lại là cấp xã. Điều đáng trân trọng, những hộ này không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp nhiều hộ gặp khó vượt nghèo một cách bền vững, làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước, trách nhiệm với cộng đồng, gương mẫu đi đầu các phong trào. Đó là CLB Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn giúp hộ nghèo bằng hỗ trợ giống; phong trào nuôi heo đất Hội Nông dân huyện Bình Chánh; phong trào nông dân khá giả giúp nông dân nghèo huyện Hóc Môn. Hay mô hình doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân vượt nghèo của Agribank, Vietcombank, Công ty TNHH Ba Huân… Hiện có 6.140 lượt nông dân có hoàn cảnh khó khăn được nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ cây con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hay chế phẩm sinh học nuôi tôm, cá; hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, qua đó, nhiều hộ đã thoát nghèo.

Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của nông dân góp phần quan trọng vào việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, phát huy tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã đánh giá cao phong trào và nhấn mạnh đến vai trò của giai cấp nông dân TP trong việc góp sức đưa TPHCM phát triển. Phong trào thành công bước đầu, tạo cơ hội để nông dân làm giàu và giúp nhiều gia đình khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục