Tự ta hại ta?

Tự ta hại ta?

VN Index rơi xuống mức dưới 900 điểm được nhiều chuyên gia dự đoán nên không bất ngờ. Tuy nhiên cần điểm lại những yếu tố bất lợi đã tác động đến thị trường.

Cổ phiếu thưởng hay phạt?

Tự ta hại ta? ảnh 1

Đáy 900 điểm bị phá, NĐT càng lo lắng. Ảnh: Tuấn Hưng

Theo UBCKNN, tổng mức vốn hóa của TTCK đã đạt mức 280.000 tỷ đồng, chiếm 28,8% GDP năm 2006. Một mức tăng gấp 20 lần năm 2005, là con số khá ấn tượng, nhưng đi sâu vào sẽ thấy nhiều điểm không ổn. Hơn 3 tháng qua, thị giá nhiều CP liên tục giảm và đến cuối tháng 7 thị trường mới có thêm 3 công ty niêm yết đầu tiên trong năm 2007. Với những con số thống kê trên thì không thể nào có mức vốn hóa tăng nhanh chóng như vậy nếu không muốn nói là còn giảm đi. Tuy nhiên, thực tế vốn hóa thị trường đã tăng rất nhanh do hầu hết công ty niêm yết phát hành CP tăng vốn hay trả cổ tức bằng CP. Do vậy thị trường trong 6 tháng qua đã tiếp nhận hơn 400 triệu CP niêm yết bổ sung có nguồn gốc từ các đợt phát hành trên. Yếu tố này giúp cho giá trị vốn hóa của thị trường tiếp tục tăng trưởng.

CP được mua thêm hoặc thay cổ tức được giới đầu tư gọi nôm na là CP thưởng, vì được xem là “lộc” đến. Tuy vậy những khoản đầu tư vào những CP xem là thưởng này đã khiến nhà đầu tư lỗ nặng. Điều này thể hiện quá rõ thông qua thị giá trước và sau đợt phát hành thêm của CP ACB, SSI, REE, STB, SSC, FPT… Do vậy giới đầu tư không biết mình được thưởng hay bị phạt vì những đợt phát hành trên. Đây chính là một trong những nguyên nhân đưa chỉ số VN Index giảm xuống mà dễ thấy nhất là CP STB. Với giá mua 15.000 đ/CP ở đợt phát hành vừa qua, nên cổ đông rất dễ bán ra ở mức thị giá đang dao động 55.000-57.000 đ/CP. Đây là 1 trong 5 CP có lượng CP niêm yết cao nhất thị trường. Do đó chỉ cần dao động nhỏ về thị giá của CP cũng làm cho VN Index có mức trượt đáng kể.

Vòng cấp vốn “khóa”

Thị trường đã từng chứng kiến VN Index xuống ngấp nghé mức 900 điểm vào hồi cuối tháng 4. Nhưng khi gần chạm ngưỡng, chỉ số này phục hồi khá nhanh chóng và còn tăng lên gần mốc 1.200 điểm. Động thái vực dậy nhanh như vậy không thể không có bàn tay của giới đầu tư chuyên nghiệp. Song khi ấy họ có ít nhất một “bửu bối” để cứu vãn thị trường là cầm cố CP để lấy tiền bơm thêm vào thị trường. Nay với Chỉ thị 03 của NHNN, nguồn vốn đã bị khóa, gây tác động dây chuyền rất tai hại cho thị trường. Mọi khoản đầu tư kinh doanh các ngành, lĩnh vực nào trên thế giới đều cần đến sự tiếp vốn từ ngân hàng. Ngay cả những tập đoàn lớn có tên tuổi cũng phải dựa vào ngân hàng để phát triển. Trong khi đó, Chỉ thị 03 đã đưa ra mức giới hạn tỷ lệ cho vay CK bất hợp lý, khiến cho TTCK không còn là cuộc chơi cho mọi giới.

Hầu hết những nhà đầu tư đều nhìn nhận thị giá CP hiện tại là rất hấp dẫn để đầu tư, song nguồn vốn của họ có giới hạn hoặc đang bị “chôn chết” ở danh mục đầu tư nào đó. Vì vậy khi ngân hàng “khóa” khoản cầm cố, vô tình đã để lộ cho nhà đầu tư nước ngoài nhìn ra tiềm lực vốn của nhà đầu tư trong nước quá yếu kém. Một cuộc ép giá từ nhà đầu tư nước ngoài đang diễn ra trên thị trường, họ tăng mua thì thị trường tăng giá trị giao dịch  hoặc ngược lại thì thị trường rơi tự do. Những yếu tố làm cho chỉ số VN Index giảm mạnh trong vòng hai tuần qua không phải ngoài tầm tay các nhà quản lý nếu có biện pháp can thiệp thích hợp.

Hồng Trường

Tin cùng chuyên mục