Tự tin và kiên nhẫn

Ngành chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam có bước phát triển mạnh trong hơn chục năm qua khi vượt Malaysia trở thành nước chế biến và xuất khẩu số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á sau Trung Quốc và là 1 trong 6 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Liên tục trong nhiều năm, tốc độ phát triển luôn ở mức 2 con số.

Ngành chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam có bước phát triển mạnh trong hơn chục năm qua khi vượt Malaysia trở thành nước chế biến và xuất khẩu số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á sau Trung Quốc và là 1 trong 6 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Liên tục trong nhiều năm, tốc độ phát triển luôn ở mức 2 con số.

Những người trong ngành chế biến gỗ cho rằng, với tố chất khéo tay, cần mẫn của người lao động, ngành hàng này còn có thể phát triển nhiều hơn và kim ngạch xuất khẩu có thể lên đến 15 - 20 tỷ USD trong 1 - 2 thập niên tới (năm nay dự kiến 6,2 tỷ USD), có điều kiện trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nếu nhà nước tạo điều kiện để ngành công nghiệp phụ trợ ngành hàng gỗ nội thất phát triển cũng như việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này.

Nhưng cũng phải nhìn nhận, cho đến nay doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ trong nước vẫn chủ yếu sản xuất theo đơn hàng cung ứng cho các nhà bán lẻ nước ngoài nên giá trị và lợi nhuận không cao. Để góp phần nâng cao kim ngạch cũng như tạo sự đột phá trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu cần có những DN tiên phong sản xuất theo kiểu ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán thành phẩm) để tạo ra giá trị và lợi nhuận nhiều hơn.

Theo lãnh đạo Hội Mỹ nghệ và xuất khẩu gỗ TPHCM (Hawa), trong số 5,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2013 có khoảng 10 triệu USD từ giá trị sản phẩm do Việt Nam tự thiết kế, con số còn rất nhỏ nhưng qua đó cho thấy đã có thành công bước đầu khi 3% - 5% DN đi theo hướng này.

Hawa đang hình thành Trung tâm thiết kế Hawa, nơi quy tụ các nhà thiết kế độc lập, chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp trong và ngoài nước, tập hợp thông tin dữ liệu về thị trường, tổ chức các cuộc thi và giải thưởng thiết kế thường kỳ; cũng là nơi trưng bày và giới thiệu các mẫu thiết kế mới đến các nhà nhập khẩu trên thế giới.

Tham vọng này đòi hỏi phải có giải pháp và lộ trình cụ thể trong việc xây dựng một nền thiết kế hiệu quả và hiện đại cho ngành công nghiệp đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, giúp DN Việt Nam chủ động trong việc nghiên cứu và phát triển các mẫu sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường

Là một trong những người tiên phong theo hướng này, ông Nguyễn Quốc Khanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và kiến trúc AA, cho biết điều quan trọng là dám làm và phải có niềm tin với chính mình. Hiện nay, Công ty AA có đội ngũ thiết kế khá hùng hậu cả trong nước và người nước ngoài.

Từ chỗ sản xuất và cung ứng hàng nội thất cho các đơn vị thi công trong nước, 5 năm qua, Công ty AA mở hướng đi mới, cung ứng cho khách hàng là những nhà đầu tư xây dựng các công trình khắp thế giới. Hiện sản phẩm nội thất của Công ty AA có mặt ở các khách sạn, resort cao cấp khu vực Trung Đông, Bắc Mỹ… Năm đầu doanh số đạt gần 5 triệu USD ngoài suy nghĩ ban đầu, nay con số này là 35 triệu USD/năm, chiếm 40% doanh số của công ty và đang hướng đến 70% doanh thu từ việc xuất khẩu cung ứng các công trình xây dựng nước ngoài.

Ông Nguyễn Quốc Khanh cho rằng, dù có những thách thức nhất định nhưng cũng có nhiều cơ hội và lợi nhuận cao hơn cho các DN trong nước nếu có niềm tin và sự kiên nhẫn khi mở hướng đi mới.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục