Tự ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND - Cần thủ tục gì?

Tự ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND - Cần thủ tục gì?

Năm 2007, TPHCM là địa phương có số người nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhiều nhất cả nước (hơn 100 người). Những ngày này, thông tin về thủ tục hồ sơ, quy trình ứng cử HĐND và đại biểu QH đã được nhiều người quan tâm, tìm hiểu. Đáp ứng yêu cầu bạn đọc, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Công Luận, Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Thư ký Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND TPHCM khóa VIII (ảnh) về một số vấn đề người dân đang quan tâm.

Ông ĐẶNG CÔNG LUẬN

Ông ĐẶNG CÔNG LUẬN

- PV: Thưa ông, muốn đăng ký nhận hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải làm những gì?

Ông ĐẶNG CÔNG LUẬN: Người muốn đăng ký nhận hồ sơ ứng cử phải trình chứng minh nhân dân tại Tổ tiếp nhận người ứng cử tại số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1. Theo luật định, công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, có đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử. Khi đáp ứng được các điều kiện nói trên, người tự ứng cử có thể đăng ký nhận hồ sơ.

- Hồ sơ tự ứng cử gồm những gì?

Theo quy định tại Điều 28 của Luật Bầu cử đại biểu QH năm 2001, Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu HĐND (sửa đổi, bổ sung theo Luật số 63/2010) hồ sơ gồm: đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch có chứng nhận của UBND phường xã thị trấn nơi thường trú hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc; bản kê khai tài sản của người tự ứng cử; tiểu sử tóm tắt và 3 ảnh màu cỡ 4cmx6cm. Tại TPHCM, hồ sơ sẽ nộp tại Ủy ban bầu cử TP, số 86 Lê Thánh Tôn phường Bến Nghé, quận 1. Hạn chót để nộp lại hồ sơ được quy định chung trong cả nước là 17 giờ ngày 18-3 đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và 23-3 đối với người ứng cử đại biểu HĐND.

- Về hình thức lấy ý kiến cử tri, được biết có nhiều nơi biểu quyết độ tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín đối với những người tự ứng cử, nhưng lại giơ tay biểu quyết đối với người được giới thiệu, như thế liệu có công bằng với những người tự ứng cử?

Theo quy định, việc biểu quyết bằng hình thức nào do hội nghị quyết định. Quan trọng là cuộc họp có dân chủ, thể hiện sự tôn trọng cử tri hay không. Nếu bỏ phiếu kín, hội nghị sẽ cử ban kiểm phiếu từ 3 - 5 người để giám sát.

- Sau khi nộp hồ sơ, người tự ứng cử phải làm gì tiếp theo?

Người tự ứng cử phải chờ. Đối với người ứng cử đại biểu QH, theo quy trình thì sau khi tổng hợp danh sách những người tự ứng cử và người được giới thiệu, ngày 21-3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP sẽ mở hội nghị hiệp thương để lập danh sách sơ bộ người ứng cử. Danh sách này kèm theo hồ sơ của từng người sẽ được gửi về nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người đó, để từ ngày 24 đến 31-3, MTTQ nơi đó tổ chức lấy ý kiến cử tri về người được giới thiệu, người tự ứng cử. Quá trình này có thể phát sinh những vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử, đến 12-4, tất cả các thông tin vụ việc phải được xác minh, trả lời ngay. Với người ứng cử đại biểu HĐND cũng vậy, nhưng thời gian có khác. Theo đó, ngày 25-3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP mở hội nghị hiệp thương để lập danh sách sơ bộ những người được giới thiệu và tự ứng cử. Từ ngày 29-3 đến 10-4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP sẽ lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, công tác với người tự ứng cử. Ngày 12-4 là thời hạn cuối trả lời, xác minh vụ việc cử tri nêu lên đối với người ứng cử. Sau khi hoàn thành các mục nói trên, từ ngày 13-4, sẽ hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Trên cơ sở ý kiến của cử tri nơi cư trú, nơi công tác, kết quả giải quyết vụ việc cử tri nêu lên về người được giới thiệu, tự ứng cử, hội nghị sẽ chốt danh sách chính thức người ứng cử, tự ứng cử đại biểu QH, HĐND.

- Trong thời gian đó, người tự ứng cử có quyền vận động bầu cử không?

Người được giới thiệu hoặc tự ứng cử không được phép tự mình vận động bầu cử mà phải thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ nơi ứng cử tổ chức. Tại hội nghị này, mặt trận sẽ giới thiệu, đọc tiểu sử vắn tắt người ứng cử, rồi từng người báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình. Cử tri sẽ nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với người ứng cử... Ngoài hội nghị tiếp xúc cử tri ra, người tự ứng cử có quyền vận động bầu cử dưới hình thức tiếp xúc, trả lời phỏng vấn trên các báo đài. Yêu cầu chung của quy trình vận động bầu cử là đảm bảo yếu tố công khai, dân chủ, bình đẳng nên người ứng cử bị nghiêm cấm lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái pháp luật hoặc làm tổn hại danh dự, uy tín, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không biến vận động bầu cử thành nơi để khiếu nại, tố cáo; không được lợi dụng bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp trong và ngoài nước cho tổ chức, cá nhân mình… Việc vận động bầu cử như vậy được phép tiến hành đến 24 giờ trước giờ cử tri đi bỏ phiếu vào ngày chủ nhật 22-5-2011.

Hồng Hiệp (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục