Tư vấn kinh tế - pháp luật

Tôi có mở một công ty kinh doanh về bất động sản. Do hiện nay tình hình kinh tế khó khăn nên việc kinh doanh của công ty bị trì trệ, những tháng gần đây bị thua lỗ nặng. Số tiền mà công ty vay từ ngân hàng để phát triển kinh doanh và giải quyết khó khăn trong giai đoạn hiện nay chủ yếu chỉ để cầm cự trả lương nhân viên, còn vốn lưu động riêng của công ty đều đã được đầu tư vào bất động sản. Cho tôi hỏi, với tình hình này, công ty có bị coi là phá sản không? Nếu phải phá sản thì hậu quả của nó là như thế nào

Tôi có mở một công ty kinh doanh về bất động sản. Do hiện nay tình hình kinh tế khó khăn nên việc kinh doanh của công ty bị trì trệ, những tháng gần đây bị thua lỗ nặng. Số tiền mà công ty vay từ ngân hàng để phát triển kinh doanh và giải quyết khó khăn trong giai đoạn hiện nay chủ yếu chỉ để cầm cự trả lương nhân viên, còn vốn lưu động riêng của công ty đều đã được đầu tư vào bất động sản. Cho tôi hỏi, với tình hình này, công ty có bị coi là phá sản không? Nếu phải phá sản thì hậu quả của nó là như thế nào? (Một bạn đọc ở Lâm Đồng) 

 ° Điều 3, Luật Phá sản 2004 quy định về trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị xem là lâm vào tình trạng phá sản nếu không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu. Như vậy, nếu công ty của bạn không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ theo yêu cầu khi đến hạn thì mới bị xem là lâm vào tình trạng phá sản. Khi đó, đại diện hợp pháp của công ty có nghĩa vụ phải nộp đơn đến tòa án nơi công ty đặt trụ sở chính để làm thủ tục phá sản (Khoản 1, Điều 15, Luật Phá sản 2004).

Việc tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản dẫn đến những hậu quả pháp lý sau đây:

+ Xóa tên doanh nghiệp, hợp tác xã trong sổ đăng ký kinh doanh (Khoản 2, Điều 89, Luật Phá sản 2004).

+ Không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Điều này có nghĩa là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ thanh toán tiếp tục các khoản nợ bằng tài sản riêng chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh mà doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh không đủ tài sản để thanh toán (Khoản 1, Điều 90, Luật Phá sản 2004).

+ Cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản. Theo đó, người giữ chức vụ giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị của công ty, tổng công ty 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được cử đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào, kể từ ngày công ty, tổng công ty nhà nước bị tuyên bố phá sản. Người được giao đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được cử đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước. Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, giám đốc (tổng giám đốc), chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên của doanh nghiệp, Chủ nhiệm, các thành viên Ban quản trị hợp tác xã bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, không được làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, việc cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm thành lập doanh nghiệp nêu trên không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản vì lý do bất khả kháng (Điều 94, Luật Phá sản 2004).

- Trường hợp người nào có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. (Điều 93 - Khoản 1 - Luật Phá sản 2004).

TS Nguyễn Thị Hồng Nhung  (Khoa Luật – Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM) 

Tin cùng chuyên mục