Monsanto, một trong những công ty hóa chất hàng đầu của Mỹ cung cấp chất độc da cam và nhiều loại chất độc khác cho quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam, đang tiếp tục trở thành chủ đề phản đối của nhiều nước về các loại hạt giống biến đổi gien (GM) bất hợp pháp của họ. Dư luận đang đặt câu hỏi về đạo đức kinh doanh của tập đoàn này.
Hậu quả của cách làm ăn dối trá
Cổ phần của Công ty Monsanto trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2013 đã rớt giá mạnh khi người khổng lồ ngành nông nghiệp Mỹ phải đối mặt với một cuộc biểu tình trên khắp thế giới phản đối hạt giống biến đổi gien của công ty này sau khi một dòng lúa mì GM có khả năng kháng thuốc trừ cỏ của Monsanto chưa được phép đã mang ra trồng ở một trang trại 80 mẫu Anh ở bang Oregon, Mỹ. Sau khi Mỹ phát hiện loại lúa mì này ở trang trại Oregon, Nhật Bản đình chỉ nhập khẩu lúa mì của Mỹ, Liên minh châu Âu cho biết các nước thành viên kiểm tra nhập khẩu nông sản từ Mỹ, nhất là mặt hàng lúa mì. Hàn Quốc cũng tuyên bố ngừng mua lúa mì của Mỹ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, lúa mì được tìm thấy tại Oregon cùng một dòng với lúa mì GM kháng thuốc trừ cỏ có từ năm 1998 nhưng chưa bao giờ được bộ này chấp thuận đem ra thị trường. Cách đây 9 năm, Monsanto từng cam kết ngừng lưu hành loại lúa mì này. Nguyên nhân cấm lưu hành loại hạt giống này là vì tính chất kháng thuốc diệt cỏ có thể lây lan sang các loại cỏ trên ruộng lúa mì, làm tăng khả năng kháng thuốc của các loại cỏ, và vì vậy sẽ buộc nông dân tăng mức độc sử dụng thuốc hóa học trên cánh đồng. Trong khi lúa mì kháng thuốc trừ cỏ của Monsanto không được chấp thuận bán bất cứ nơi nào trên thế giới, các sản phẩm khác của Monsanto cũng đã gặp phải sự kháng cự dữ dội từ các cuộc biểu tình lớn của người tiêu dùng và các nhà hoạt động môi trường trên thế giới, nhất là ở châu Âu. Monsanto cho biết tăng trưởng doanh số bán hàng hạt giống GM ở châu Âu đã chậm hẳn.
AFP dẫn lời ông Brandon Mitchener, người phát ngôn của Monsanto châu Âu, rằng “Hiện nay Monsanton chỉ còn cung cấp hạt giống GM cho một số nước ở châu Âu, chủ yếu là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha”. Monsanto trước đó còn bán hạt giống bắp GM kháng sâu bệnh, nhãn MON 810, ở các quốc gia khu vực đồng euro nhưng giờ đây cũng đang phải bán cầm chừng, chủ yếu ở các nước Đông Âu như Czech và Slovakia.
Việc để lọt hạt giống lúa mì GM của Monsanto đã đặt ra nhiều câu hỏi cho người tiêu dùng vì phần lớn việc thử nghiệm các giống cây trồng mới từ hạt giống GM phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Báo Washington Post dẫn lời ông Gene Grabowski, Phó Chủ tịch Công ty Truyền thông và PR Levick tại châu Âu cho rằng Monsanto không những gây tổn hại hình ảnh của chính họ mà còn làm mất lòng tin của công chúng với các công ty thực phẩm.
Ông Grabowski từng là giám đốc điều hành cấp cao của Hiệp hội Các nhà sản xuất hàng tạp hóa EU, cho biết các công ty ngũ cốc và thực phẩm khác kinh doanh tại Nhật Bản và châu Âu đã không muốn tăng thêm chi phí khi người tiêu dùng yêu cầu đảm bảo các sản phẩm của họ không có nguồn gốc từ sản phẩm GM. Trong một cuộc họp, ông từng chứng kiến những lời than phiền từ các CEO của các công ty thực phẩm rằng họ không muốn công khai các sản phẩm GM của Monsanto vì họ đã có trong tay đầy đủ phương cách đối phó với hậu quả của các sản phẩm GM.
Monsanto thực sự là “xương sống” của ngành nông nghiệp Mỹ khi công ty này cung cấp các loại hạt giống GM chiếm từ 80% - 90% sản lượng thu hoạch bắp, đậu nành và bông vải tại Mỹ. Báo Washington Post dẫn lời ông Frank Mitsch, một nhà phân tích của Wells Fargo cho rằng: “Công nghệ GM là cực kỳ quan trọng với Monsanto khi mà 3/4 lợi nhuận của họ phụ thuộc vào các vụ mùa từ hạt giống GM”. Ngoài thị trường Mỹ, hạt giống GM của Monsanto còn chiếm ưu thế ở Mỹ Latinh, đặc biệt là hai thị trường lớn Brazil và Argentina. Mặc dù Mỹ sản xuất chỉ có 10% lúa mì thế giới những nước này vẫn là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Monsanto trở thành công cụ đắc lực cho ngành nông nghiệp Mỹ. Chỉ trong 6 tháng (từ tháng 9-2012 đến 28-2-2013) Monsanto đã có doanh thu 1,57 tỷ USD, tăng so với 1,27 tỷ USD trong cùng thời kỳ năm trước, và gần đạt doanh thu dự kiến trong cả năm tài chính từ 1,8 - 2 tỷ USD.
Monsanto được chống lưng
Mặc dù Monsanto đang bị phản đối tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ của họ với công nghệ GM của Monsanto. Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow (đảng Dân chủ bang Michigan), Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện, trong năm 2011 ca ngợi quyết định của Bộ Nông nghiệp bãi bỏ kiểm soát cỏ linh lăng GM. Bà nói: “Cỏ ba lá này là một trong những cây trồng gần hai chục mùa vụ ở Mỹ nhưng vẫn chờ thẩm định và phê duyệt của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Đây là một quá trình gây cản trở phát triển và tiến bộ”. Thật dễ hiểu vì sao bà ủng hộ Monsanto. Theo báo Washington Post, Stabenow nhận được hơn 570.000 USD từ các ủy ban hành động chính trị liên quan đến kinh doanh nông nghiệp trong năm 2012.
Một số nông dân bị Monsanto thu hút với các hạt giống GM vì giúp họ tăng sản lượng và chịu được thuốc diệt. Trong tài liệu tiếp thị, Monsanto nói rằng nông dân miền Nam nước Mỹ “đang chứng kiến bằng chứng mạnh mẽ kháng côn trùng của các hạt giống GM. Đó là do sự kết hợp giữa các công nghệ tiến bộ nhất của ngành di truyền học toàn cầu với những công nghệ tiên tiến nhất của ngành công nghiệp trừ sâu”.
Trong vụ xì căng đan lúa mì GM của Monsanto ở Oregon, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết giống lúa mì này không gây ra mối quan tâm nào về an toàn thực phẩm. Bộ này trích dẫn một “tư vấn” trong năm 2004 của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Nhưng FDA lại dựa trên thông tin do chính công ty Monsanto cung cấp mà không cần tiến hành nghiên cứu riêng của mình. Bộ Nông nghiệp Mỹ biết điều này nhưng cho rằng họ tôn trọng tư vấn của FDA.
THỤY VŨ tổng hợp