(SGGP). – Hôm nay 28-10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII bước sang tuần làm việc thứ 2 với nhiều nội dung quan trọng. Theo nghị trình, trong tuần, Quốc hội sẽ dành ngày 31-10 và sáng 1-11 để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 (kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế); tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015). Phiên họp quan trọng này sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Sáng 28-10, mở đầu tuần làm việc mới, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2013. Chiều mai 29-10, Quốc hội sẽ thảo luận về các báo cáo vừa nêu; kết hợp với thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Trong các ngày làm việc khác trong tuần, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về những dự án: Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Công chứng (sửa đổi). Đây là những dự luật được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo với Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Đấu thầu (sửa đổi). Các luật này dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này. Đáng chú ý, báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện; tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra về những vấn đề trên cũng sẽ được trình ra Quốc hội.
Trong ngày làm việc cuối tuần (2-11), Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.
Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ mang tính ngắn hạn
Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Theo kế hoạch, nội dung này sẽ được các vị đại biểu Quốc hội kết hợp cho ý kiến khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào ngày 31-10 tới đây.
Theo báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều đã “thể hiện quyết tâm, kịp thời triển khai các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”. Nhiều sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư có chất lượng và mô hình tổ chức sản xuất mới đã xuất hiện. Việc tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm cũng đã đạt được kết quả bước đầu, hỗ trợ thiết thực cho ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng hợp lý.
Đặc biệt, tái cơ cấu đầu tư công là một trong các khâu đi vào cuộc sống và mang lại kết quả rõ nét. Với việc thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, trong mấy năm gần đây, tỷ trọng đầu tư từ khu vực nhà nước trong tổng đầu tư xã hội đã giảm tương đối nhanh. Vốn đầu tư đã được phân bố tập trung vào những dự án ưu tiên, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán đã tồn tại từ nhiều năm trước...
Về đổi mới sắp xếp doanh nghiệp, Chính phủ cho biết, 100/101 phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành và địa phương đã được Thủ tướng phê duyệt. Công tác phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015 trên phạm vi toàn quốc về cơ bản cũng đã hoàn thành...
Được biết, bản báo cáo của Chính phủ đã được chỉnh lý, bổ sung sau khi tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về một số ý kiến trong việc triển khai thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế (được hoàn thành trước báo cáo nêu trên của Chính phủ 2 ngày - PV) lại đưa ra nhận định, đến nay Chính phủ chưa phê duyệt đề án toàn diện tái cơ cấu đầu tư công. Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và là giải pháp mang tính chất tình huống và ngắn hạn.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, thể chế pháp luật để thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế một cách toàn diện đến nay vẫn chưa đầy đủ. Cụ thể là Luật Đầu tư công; Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đang trong quá trình xây dựng. Trong khi đó, tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn rời rạc và thiếu tầm nhìn chiến lược. Việc tái cơ cấu chủ yếu mới chuyển giao trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc. Về vấn đề này, báo cáo Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, các giải pháp thực hiện tái cơ cấu kinh tế chưa có đột phá trong thể chế huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường.
Xin chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng vừa gửi tới Quốc hội, hiện đã có 54 dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Ngoài ra, có 84 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô xây dựng khoảng 51.895 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 23.822 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 15 dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng mới, trong đó TP Hà Nội khởi công 6 dự án, Đà Nẵng 3 dự án...).
TPHCM cũng đã có 24 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 14.800 căn với tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng. Song trên thực tế, Hà Nội mới có 15 dự án được chấp thuận chủ trương và 3 dự án có quyết định chính thức, riêng TPHCM mới có 1 dự án được chính thức chuyển đổi.
Về gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, hiện mới có 6 doanh nghiệp được các ngân hàng thương mại chấp thuận vay vốn với tổng số vốn vay dự kiến là 860,5 tỷ đồng, đã giải ngân cho 2 doanh nghiệp với số tiền gần 55 tỷ đồng. Với đối tượng là hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho vay 619 khách hàng cá nhân với số tiền trên 203 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 590 khách hàng với dư nợ gần 142,5 tỷ đồng. Như vậy, số tiền (cả cam kết và giải ngân) trong diện này mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
ANH THƯ
>> Quốc hội thảo luận về ngân sách và phát hành trái phiếu: Hụt thu, chi “phóng tay”, lo ngại nợ công