Tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ mới có lợi

Trong đợt thanh kiểm tra về việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực phần mềm mới đây nhất, Thanh tra Bộ VH-TT-DL phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã kiểm tra hàng loạt công ty tại các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX - KCN). Trong đợt kiểm tra này, đoàn thanh tra liên ngành phát hiện rất nhiều phần mềm vi phạm tại Công ty cổ phần ROSSANO Việt Nam (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM), là công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất đồ trang trí nội thất cao cấp. Cụ thể trong số 31 máy tính được kiểm tra, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện rất nhiều phần mềm sao chép như AutoCAD, LacViet MTD 2002, Acrobat, Corel Draw, Window XP và Window Office…

Đó chỉ là vụ việc mới nhất, trước đây đã có hàng loạt vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm mà báo Sài Gòn Giải Phóng đã phản ánh. Đáng nói hơn vào thời điểm hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là sang thị trường Mỹ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ chịu những hậu quả kinh tế khá nặng nề. Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, kể từ 1-8, một số bang của Mỹ bắt đầu áp dụng đạo luật vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Theo đạo luật này, hàng hóa của doanh nghiệp có vi phạm về bản quyền sẽ không được bán tại thị trường Mỹ. Hành vi vi phạm bản quyền được xét ở khâu sản xuất trực tiếp lẫn khâu phân phối, quảng bá hoặc bán sản phẩm.

Đạo luật cũng nêu rõ, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, giày, nhựa, nội thất… nếu sử dụng các phần mềm sao chép để cài vào máy tính phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì các sản phẩm hoàn chỉnh của họ cũng bị coi là sản phẩm vi phạm bản quyền và cấm xuất khẩu sang Mỹ. Và đạo luật cũng quy định doanh nghiệp Mỹ muốn nhập khẩu hàng hóa phải yêu cầu đối tác nước ngoài gửi thư bảo đảm cam kết không có vi phạm bản quyền. Nếu đối tác vi phạm bản quyền, doanh nghiệp Mỹ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhập khẩu mà không bị xem là vi phạm hợp đồng… 

Một chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho rằng, chỉ khi các doanh nghiệp xác định, phần mềm cũng giống như phần cứng; khi muốn sử dụng cho hoạt động kinh doanh của công ty thì phải mua từ chủ sở hữu mới được phép sử dụng thì tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm trong các doanh nghiệp mới có thể chấm dứt được. Còn theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL: “Nhà nước Việt Nam đã cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm. Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật, nhất là “trừng phạt kinh tế” từ phía thị trường Mỹ”.

Như vậy, trong nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, quyền sở hữu trí tuệ không chỉ được Chính phủ Việt Nam bảo hộ theo cam kết quốc tế mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn bước chân vào thị trường quốc tế thì cam kết tôn trọng bản quyền là điều không thể thiếu.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục