Tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa

Vừa qua, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM phối hợp với các hội chuyên ngành tổ chức hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh trong ngành thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và thương hiệu”. 

Theo nhận định của các chuyên gia, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm nhận thức tầm quan trọng trong việc xây dựng tiêu chuẩn, tuân thủ tiêu chuẩn để đưa sản phẩm có chất lượng ra thị trường, nâng cao sức cạnh tranh.

Dưa lưới trồng tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM 
Ảnh: CAO THĂNG
 Phát biểu tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, mặc dù đã có những chuyển biến nhất định về nhận thức nhưng tình trạng tự cung, tự cấp, chủ yếu sản xuất cung ứng cho thị trường địa phương vẫn còn phổ biến. Cách làm tự phát này đã khiến cả số lượng và chất lượng hàng hóa còn hạn chế. Bản thân người sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư về tiêu chuẩn, chất lượng để tìm đầu ra tốt hơn cho sản phẩm nông sản, đặc sản, thực phẩm, rau củ quả…


Là DN đang sở hữu hơn 40ha chuối ở Long An và 70ha ở Tây Ninh để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An, chia sẻ để làm thương hiệu cho ngành thực phẩm, nhất là nông sản - đặc sản, dù hướng đến thị trường nội địa hay xuất khẩu, DN cũng phải thay đổi hành vi, chú trọng nắm bắt thông tin thị trường và thực hiện hoạt động sản xuất hướng đến những tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Chỉ như vậy mới tạo dựng được niềm tin từ các đối tác, người tiêu dùng, hướng đến phát triển sản xuất bền vững.

Bà Châu Ngọc Hạnh, quản lý cấp cao của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, nhận định người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ và thông tin về nhà sản xuất của những sản phẩm họ sử dụng. Phần lớn người tiêu dùng có cái nhìn tích cực hơn với các công ty minh bạch về sản phẩm được sản xuất. Điều này thể hiện rõ qua kết quả nghiên cứu mới nhất của Nielsen Việt Nam, có 37% người tham gia khảo sát xem sức khỏe là mối quan tâm và xếp thứ hai trong các mối quan tâm hàng đầu, 76% người tham gia khảo sát muốn biết mọi thành phần có trong thức ăn và 80% lo ngại về tác động sức khỏe lâu dài của các thành phần nhân tạo.

Bên cạnh đó, có 83% số người chủ động lựa chọn chế độ ăn uống để ngăn ngừa tình trạng sức khỏe xấu, 89% sẵn sàng trả nhiều hơn cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, 88% đọc nhãn bao bì cẩn thận cho nội dung dinh dưỡng…

Theo các chuyên gia, hiện các nhà bán lẻ vào thị trường Việt Nam đang có xu hướng phát triển và gia tăng hoạt động thu mua cũng như có nhiều hoạt động đa dạng về hợp tác với đơn vị sản xuất, nông dân để tạo nguồn cung hàng hóa phong phú. Trên thực tế, các DN giới thiệu sản phẩm mới thành công đều dựa trên nền tảng của sự nỗ lực trong xây dựng thương hiệu cùng kênh phân phối nhất quán. 

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết để hỗ trợ các DN làm ăn chân chính, song song với các giải pháp quản lý, TPHCM cũng có chính sách khuyến khích, ưu tiên những đơn vị sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và có giấy phép an toàn thực phẩm cung ứng hàng hóa vào hệ thống trường học, nhà hàng, khách sạn… Đây chính là cơ hội để các DN có thể tiếp cận để đưa hàng hóa có chất lượng đến với người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục