Túi quần túi áo

Túi quần túi áo

Là nói chuyện quần áo tây của người Việt mới có mặt trên đất nước mình chưa đầy một thế kỷ. Ngày trước, không có bất cứ một cái quần nào có túi. Kể cả đàn ông, đàn bà, trẻ con. Thực ra kiểu cách quần áo trẻ con mặc lúc ấy hoàn toàn là đồ người lớn thu nhỏ. Có tiền thì mua vải may mới. Không tiền thì thu nhỏ quần áo cũ của người lớn cho trẻ con mặc theo nghĩa đen.

Áo cánh của người Việt ngày trước gọi là áo tứ thân. Đơn giản vì công nghệ dệt vải lúc ấy mới chỉ có khung cửi khổ rộng 40cm. Phải bốn khổ vải ấy chắp lại mới đủ một vòng quanh người. Áo có hai túi ở vạt trước. Phụ nữ đựng trầu vỏ một bên, bên còn lại đựng tiền lẻ cài kim băng. Nam giới đựng gói thuốc lào và bao diêm một bên, bên còn lại thường xuyên rỗng. Phụ nữ luôn kè kè đeo chiếc hầu bao quanh mình. Đó là một chiếc túi vải dài thủng hai đầu có thể quấn vòng quanh bụng thắt lại.

Bên trong đựng những đồ vật và tiền bạc bất li thân. Có thể lấy chúng ra từ hai đầu hầu bao khi cởi nút thắt trước bụng. Người Việt nghèo khó thường phải “thắt chặt hầu bao” mà không mấy khi mở chúng ra. Dĩ nhiên so với túi LV hoặc Hermes bây giờ thì thật là bất tiện. Nhưng tuyệt đối an toàn. Đến chủ nhân của hầu bao, mỗi lần muốn mở nó ra còn khó.

Minh họa: K.P

Những thứ bất tiện tự nó biến mất từ lúc nào không hay. Giờ thì không thể bói đâu ra chiếc hầu bao. Khăn xếp áo the và quần trắng áo dài dân tộc là những trang phục không có túi cũng chỉ được dùng ở các hội hè lễ lạt. Khi đã đóng bộ ấy lên người thì cả nam giới và phụ nữ đều phải đeo theo chiếc túi xách tây trông rất ngớ ngẩn. Ngày thường, chỉ có nam giới làm nghề thầy cúng và phụ nữ đi dự tiệc đối ngoại mới ăn mặc như thế.

Nam sinh Hà Nội những năm 60 đã được mặc quần tây toàn bộ dù chưa có quy định mặc đồng phục đến trường. Con gái vẫn mặc quần ta vải đen không túi là chính. Quần con trai có hai túi cạnh cài khuy giữa. Phần lớn bọn chúng không có quần đùi. Túi quần dài thường xuyên thủng do đựng bi, đựng tiền bạc cắc.

Phụ nữ bắt đầu mặc quần tây có túi phổ biến vào cuối thập niên 60. Gọi là quần “phăng”. Chẳng biết có phải xuất phát từ thuật ngữ âm nhạc fantaisie chỉ “khúc phóng túng” hay không? Quần có hai túi cạnh và cài khuy bên mép túi trái. Rất bất tiện cho cả túi lẫn khuy. Những năm 70, Hà Nội rộ lên nạn kẻ cắp móc túi. Nạn nhân phần lớn là đàn ông. Ví để túi quần sau hoặc kính bút để hẳn túi áo trước ngực vẫn bị móc mất như thường. Những người sống qua giai đoạn ấy bỏ hẳn thói quen cất ví túi hậu cho đến tận bây giờ.

Áo quần giờ đây túi nhiều không kể xiết. Túi cạnh, túi trước, túi sau, túi hộp, túi chìm, túi nổi và túi giả. Những bà vợ có tính tò mò chỉ nhớ hết các loại túi trên quần áo của chồng thôi cũng đủ hết ngày. Thế nhưng vẫn thường xuyên bỏ sót những túi không lục. Bằng chứng là nhiều ông chồng tìm thấy bật lửa, kính, chìa khóa và tiền lẻ của mình trong máy giặt. Có ông còn luyện được thành thói quen. Cứ hễ mất thứ gì là mở máy giặt ra tìm.

Dân đi “phượt” có những bộ đồ nhiều túi đến mức có thể đựng được cả gia tài cho chuyến đi. Từ quần áo lót, khăn mặt, bàn chải đánh răng cho đến rượu, nước uống, thuốc men bông băng, dao, kéo, kìm búa. Cái túi hộp bên cạnh đầu gối trên chiếc quần bộ đồ ấy có thể nhét được hai mớ rau đủ cho sáu người ăn.

Áo quần mùa đông của trẻ con và các thiếu nữ mới lớn thường có nhiều túi chỉ dùng để trang trí. Có những túi áo nằm đằng sau lưng. Muốn mở nó ra phải cởi cả áo. Không chỉ áo quần, giày dép và mũ nhiều khi cũng có những chiếc túi nhỏ khâu liền. Túi quần túi áo của cả đàn ông đàn bà bây giờ là thứ không thể thiếu. Ít nhất cũng phải có chỗ đựng chiếc điện thoại để chứng nhận rằng mình chưa mất liên lạc với bạn bè. Những người đàn ông đơn giản ở phố phường thường chỉ cần đến những túi trên quần áo là đủ đựng những vật dụng thiết yếu trong ngày.

Ngồi quán bia mà cứ kè kè chiếc túi xách bên mình kể ra trông cũng không được phóng khoáng cho lắm. Nhưng đàn ông bây giờ mà mặc quần áo không túi ra đường có vẻ như bị nhìn bằng con mắt hơi ngờ vực. Hình như anh ấy đang tập làm quen với giới tính khác của mình?

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục