* Bình Định: Trên 25.000 lượt du khách tham gia
(SGGP).- Theo thông lệ hàng năm, hôm qua, sáng mùng 5 Tết (18-2 Dương lịch), lễ kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, tưởng nhớ người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã được tổ chức tưng bừng tại gò Đống Đa, Hà Nội.
Năm nay, Thăng Long - Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm kể từ ngày đức vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long, lễ hội gò Đống Đa vì thế càng thêm ý nghĩa khi mọi người dân thủ đô đều mong muốn có một lễ kỷ niệm thật lộng lẫy, quy mô.
Ngay từ sáng sớm, những đoàn người rực rỡ cờ phướn, áo màu đã tụ hội bên gò Đống Đa để chuẩn bị cho những nghi thức đầu tiên của lễ hội. Lễ rước kiệu, lễ tế được cử hành trong không khí trang nghiêm. Mọi con đường quanh khu vực gò Đống Đa đều chật kín, nhất là đường Đặng Tiến Đông - con đường mang tên một võ tướng của nghĩa quân Tây Sơn. Trời Hà Nội lạnh 12°C, nhưng sức nóng vẫn lan tỏa khắp những người dự hội, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc ngập tràn.
Đã 221 năm trôi qua, nhưng trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, với hình ảnh áo vải cờ đào của thiên tài quân sự Quang Trung - Nguyễn Huệ vẫn mãi mãi được ghi khắc như một bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, thể hiện ý chí, cốt cách và sự đoàn kết trên dưới một lòng của dân nước Đại Việt trong sự nghiệp giữ nước, chống ngoại xâm.
Trong lễ hội năm nay, nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật được tổ chức, như trích đoạn chèo cổ Ngọc Hân công chúa, chơi cờ người..., cùng với các hoạt động mang tinh thần thượng võ, như biểu diễn võ dân tộc, chọi gà, đánh vật... đã làm cho không khí của ngày hội thêm phần sôi động.
* Chiều 18-2 (tức mùng 5 Tết Canh Dần), tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), lễ hội kỷ niệm 221 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2010) đã kết thúc. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-2, với sự tham dự của trên 25.000 lượt du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội kỷ niệm 221 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức trang nghiêm, với các chương trình: Lễ nhập điện - dâng hoa - dâng hương tưởng nhớ công đức của Hoàng đế Quang Trung, được tổ chức trang nghiêm. Cổng chính vào Bảo tàng Quang Trung được trang trí theo mô phỏng cổng thành cổ Thăng Long, với dàn trống và 9 khẩu súng thần công; 100 trống chầu và dàn trống trận với 200 tiêu binh đứng nghiêm trang từ cổng bảo tàng đến cầu Cảnh.
Sau 9 tiếng nổ lớn, ba hồi chín tiếng trống hiệu khai thành, cổng thành từ từ mở ra, các thành viên Ban tế lễ trong trang phục truyền thống, cùng đoàn rước bước vào làm lễ dâng hoa trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung trong tiếng trống vang dội hào hùng. Tiếp đến là lễ hội kỷ niệm 221 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra tại sân khấu chính, được thiết kế trước cổng Bảo tàng Quang Trung.
Phần mở đầu trang trọng, hoành tráng với chủ đề Nghĩa khí Tây Sơn. 200 lá cờ hội và 1 lá cờ lớn thêu chữ Nghĩa được phất tung bay trong giai điệu trầm hùng của 100 chiếc trống, thể hiện sự hùng tráng của phong trào Tây Sơn, đồng thời nhấn mạnh sự tiếp nối truyền thống với ý chí và nghị lực của lớp con cháu đời sau, của người dân Bình Định.
Tiếp nối là phần sử thi với chủ đề “Viết tiếp bản hùng ca - Bình Định hướng về nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”, với ba chương, tái hiện các cảnh dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung, thần tốc hành binh đại phá quân Thanh, khẳng định sự tiếp bước thiên hùng ca bất tử, Bình Định hướng về nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội diễn ra trong 2 ngày còn có ra các hoạt động biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên, đua thuyền độc mộc trên sông Côn, hát tuồng Bình Định và các trò chơi dân gian của các vùng quê Tây Sơn – Bình Định…
* Cùng ngày, tại Khu di tích lịch sử Núi Bân thuộc thành phố Huế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ dâng hương hoa tại tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung- vị anh hùng dân tộc nhân dịp kỷ niệm 221 năm Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa.
Hiện nay, tại khu vực núi Bân, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư 19,8 tỷ đồng xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung. Trước đó, tháng 1-2010, tỉnh đã xây dựng xong phần tượng đài Hoàng đế Quang Trung. Tượng cao 2,1 m, được làm từ 8 khối đá với 18 mảng, mỗi mảng nặng 10 tấn đến 60 tấn. Tác phẩm do Nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ sáng tác và Công ty TNHH Xây dựng mỹ thuật Hà Nội thực hiện.
Tối 18-2, tại sân khấu chính của Hội hoa xuân TPHCM đã diễn ra chương trình ca múa nhạc đặc biệt kỷ niệm 221 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2010. Chương trình do Ban tổ chức các ngày lễ lớn TPHCM thực hiện. Đây là một trong những hoạt động mang tính truyền thống của thành phố trong những ngày đầu xuân. Đến tham dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo TPHCM, các cán bộ lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng đông đảo người dân TPHCM. Chương trình đã đưa khán giả đến với những điệu múa mang âm hưởng thượng võ, những bài trống trận từng thúc giục đoàn quân Tây Sơn tiến lên giành chiến thắng cùng những bài hát, trích đoạn cải lương về người anh hùng Nguyễn Huệ vào những thời khắc quyết định của trận Đống Đa lịch sử. |
NHÓM PV