Từng bước đổi mới sáng tạo

Trước nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam phải cải thiện năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, do gặp khó khăn về tiếp cận vốn, không ít DN và nhà sáng chế Việt Nam chọn giải pháp “bán lúa non” toàn bộ ý tưởng/sản phẩm cho đối tác nước ngoài. Một số DN khác có đổi mới nhưng không đồng bộ, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Do đó, từng bước đổi mới sáng tạo là cần thiết.
Từng bước đổi mới sáng tạo

Trước nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam phải cải thiện năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, do gặp khó khăn về tiếp cận vốn, không ít DN và nhà sáng chế Việt Nam chọn giải pháp “bán lúa non” toàn bộ ý tưởng/sản phẩm cho đối tác nước ngoài. Một số DN khác có đổi mới nhưng không đồng bộ, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Do đó, từng bước đổi mới sáng tạo là cần thiết.

Ông Nguyễn Việt Dũng (bìa phải, đứng) tiếp đoàn doanh nghiệp và Trường Đại học Phần Lan trao đổi về kinh nghiệm hoạt động đổi mới sáng tạo Ảnh: Tấn Ba

Hạn chế tài chính, thụ động

Ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn Việt Nam (Vietnam Consulting Group) dẫn số liệu thống kê từ khảo sát được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện vào tháng 9-2015 tại 143 DN nhỏ và vừa, cho biết mục tiêu của việc đổi mới sáng tạo trong các DN này về cơ bản chỉ nhằm đạt/hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn. Trong số đó, còn nhiều DN khi thay đổi thiết bị và sản phẩm mới lại không đi cùng với tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, marketing nên không sử dụng hết công suất thiết bị công nghệ dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.

Theo ông Đoàn Hữu Đức, hiện do thiếu thông tin và tư vấn nên việc lựa chọn công nghệ để đầu tư của DN chủ yếu vẫn dựa vào nhà cung ứng và nhu cầu của khách hàng. Việc ít sử dụng thông tin từ chuyên gia tư vấn và các báo cáo thị trường dẫn đến khả năng đi trước đón đầu và đột phá không cao. Vì lẽ đó, DN phải trả chi phí mua thiết bị máy móc nhập khẩu cao gấp 2 - 3 lần do phải mua đơn lẻ và qua trung gian vì không có đối tác quốc tế.

Trong một nghiên cứu khác cũng của ADB, nghiên cứu trên 589 DN Việt Nam cho thấy, 72% DN không có chính sách đầu tư về nhân lực và 78% chưa đầu tư tài chính cho hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D), 80% số này cũng không có đối tác cho hoạt động R&D. Theo các chuyên gia, đây là hạn chế chung của các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam, do hạn chế về tài chính. “Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ (KH-CN) tại Việt Nam, bên cạnh các DN đang hoạt động vẫn còn rất nhiều DN vừa thành lập hay cá nhân, tổ chức đang ấp ủ những đề tài, dự án KH-CN tiềm năng song gặp phải khó khăn về kinh phí, kiến thức và cả kinh nghiệm để hiện thực hóa cũng như đưa ra thị trường phát minh, ý tưởng sản phẩm của mình”, ông Dominic Patrick Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB, nhìn nhận. Từ đó, buộc DN chọn giải pháp hợp tác hay bán một phần cổ phần cho đối tác nước ngoài để qua đó tiếp cận được nguồn cung cấp vốn cũng như công nghệ mới.

Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Tại buổi tham vấn cộng đồng và chuyên gia về Đề án hỗ trợ các DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016 - 2020, do Sở KH-CN TPHCM tổ chức mới đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng để nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo tại DN, nhà nước nên sớm có chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Bởi theo bà Lerwen Liu, chuyên gia do ADB mời đến hội thảo, tại một số quốc gia như Hàn Quốc và Singapore, chính phủ thường xuyên có các chính sách trợ vốn cho DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, cũng như triển khai các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho lĩnh vực KH-CN. Tùy thời điểm và tùy trường hợp dự án cụ thể, mà quỹ đầu tư tham gia sẽ là quỹ đầu tư công hay quỹ đầu tư tư nhân. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Các vườn ươm Seoul (Hàn Quốc) cho biết, tại Hàn Quốc, một DN khởi nghiệp có 100.000USD, nhà nước sẽ dành ra 900.000USD vốn đối ứng để hỗ trợ. Trong đó, 500.000USD là dành cho các hoạt động R&D.

Tuy nhiên, ông Mai Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng dù có nhiều mô hình khởi nghiệp ở Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc... đã thành công, nhưng các mô hình đó có thể thành công ở nước sở tại, chứ không dễ dàng để bê nguyên và áp dụng vào Việt Nam. Chưa kể, chúng ta hiện có những chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ, nhưng tiếp cận những nguồn quỹ này không hề dễ dàng.

Một nghịch lý được nhiều startup (doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng ứng dụng KH-CN) nêu lên tại diễn đàn là chúng ta có không ít những dự án khởi nghiệp tiềm năng, thế nhưng sự đầu tư từ trong nước không có, các dự án này phải tìm nguồn tài trợ từ nước ngoài. Theo quy định của họ, đa phần đều yêu cầu phải lập công ty tại nơi có trụ sở của quỹ đầu tư hỗ trợ. Đây là một sự mất mát lớn của đất nước. Do đó, các startup Việt kiến nghị Nhà nước cần cung cấp cho giới starup những chỗ làm việc miễn phí, tập trung để có thể hình thành nên một môi trường khởi nghiệp chuyên nghiệp; nâng cao năng lực của đội ngũ những người làm khởi nghiệp, làm sao để có thể giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào. Song song đó, Chính phủ sớm có quy chế thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, giúp DN khởi nghiệp.

"Trong thời gian tới, Sở KH-CN TPHCM sẽ có nhiều kiến nghị để tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng môi trường khởi nghiệp mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên chúng ta không nên quá thổi phồng vệc startup có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội mà cần có cái nhìn đúng đắn về vai trò của các loại hình kinh tế"

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM NGUYỄN VIỆT DŨNG

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục