Vi mạch không chỉ phục vụ cho các ngành điện tử, công nghệ thông tin và tự động hóa, mà còn phục vụ cho giao thông, y tế, môi trường, nông nghiệp… Hiện nay, các sản phẩm chip từ Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM đa phần đáp ứng được các ứng dụng nói trên, nhưng thương mại hóa là chuyện hoàn toàn khác. Để thương mại hóa sản phẩm, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đề án Phát triển thị trường là hết sức cần thiết.
Đi đầu vẫn chưa… đủ
TPHCM đã trở thành địa phương đi đầu trong xây dựng công đoạn thiết kế, phát triển vi mạch và sản phẩm ứng dụng sử dụng vi mạch trong nước nhằm làm chủ công nghệ cốt lõi. Trong hơn 3 năm triển khai, từ năm 2013 đến nay, Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM đã trở thành trung tâm tập trung nguồn nhân lực, sản phẩm và hợp tác quốc tế về lĩnh vực vi mạch; đã gặt hái được một số thành công bước đầu như thiết kế và gửi đi chế tạo thành công các chip vi xử lý 8-bit, 32-bit. Đặc biệt, chip vi xử lý thương mại đầu tiên của Việt Nam SG8V1 đã được chế tạo thành công và đang dần được đưa vào các ứng dụng điện tử cụ thể nhằm thay thế cho chip ngoại nhập.
ICDREC ký hợp đồng tư vấn, thiết kế chip với Công ty CM Engineering (Nhật Bản), tiếp tục cơ hội cho chip Việt tại thị trường Nhật
Trước sự thành công ban đầu của TPHCM, một làn sóng ở mức độ vừa phải trong xây dựng công nghiệp vi mạch không chỉ lan rộng trong các trường, viện và công ty ở TPHCM, mà còn được các tỉnh, thành địa phương khác quan tâm tham gia. Thành phố Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm vi mạch CENTIC và xây dựng lực lượng nghiên cứu. Ở Hà Nội, các trường, viện và đơn vị kỹ thuật liên tục đầu tư nghiên cứu, phát triển đội ngũ vi mạch như Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Ban Cơ yếu Chính phủ. Nguồn nhân lực TPHCM đã là đội ngũ thực hiện chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho một số đơn vị trên.
Cũng cần thấy rằng, trong bối cảnh sản phẩm Trung Quốc luôn thể hiện ưu thế về giá cả, sản phẩm đến từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... luôn thể hiện sự vượt trội về chất lượng, thì vi mạch Việt ra đời luôn phải tính toán kỹ đến phân khúc ứng dụng và yêu cầu kỹ thuật cân bằng với giá cả thị trường. Một ví dụ cụ thể, trong giai đoạn từ 2013-2015, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) ứng dụng vi mạch SG8V1 vào thiết bị thu thập dữ liệu điện kế phục vụ ngành điện lực, các đối tác Trung Quốc luôn nổi tiếng về việc có mức giá tốt nhưng sự xuất hiện của của sản phẩm trong nước đã tạo áp lực mạnh lên các nhà thầu này. Sự xuất hiện của sản phẩm Việt có chất lượng kỹ thuật tốt hơn với nhiều ưu đãi hậu mãi và giá cả rẻ hơn đã đánh bật các nhà thầu nước ngoài…
Trong thời gian qua, chip Việt đã khẳng định được giá trị thương mại hóa, như ứng dụng cho hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, thiết bị giám sát hành trình, khóa container điện tử…, đã tiếp tục tạo thêm lòng tin, nhưng như thế vẫn chưa đủ!
Sự cần thiết của đề án Phát triển thị trường
Tổng quan có thể thấy, lĩnh vực hoạt động của các công ty vi mạch ở Việt Nam đa dạng dần trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn Nhà nước có các chính sách khuyến khích phát triển và TPHCM triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013-2020. Cụ thể hơn, các công ty đầu tư sản xuất, lắp ráp và kiểm tra sản phẩm như Samsung, Jabil, Intel… đã gia tăng quy mô và vốn đầu tư sau vài năm hoạt động ở Việt Nam. Các công ty đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngày càng nhiều - khâu đem lại giá trị cao và có ý nghĩa lớn về mặt làm chủ công nghệ, như Microchip, Renessas, Sigma Designs, Bosch, CME...
Nhưng cũng cần thấy rõ, lao động Việt rất hiếm và thậm chí không có cơ hội nắm bắt công nghệ tại các tập đoàn công nghệ cao có mặt tại Việt Nam, nên ngành công nghiệp vi mạch cho TPHCM là hết sức cần thiết và cần thiết hơn ở giai đoạn hiện nay là thị trường cho các sản phẩm chip từ Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM. Kết quả thương mại và ứng dụng vi mạch Việt của TPHCM bắt nguồn từ sự triển khai đồng bộ các đề án của Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TPHCM.
Việc phát triển thị trường vi mạch đã góp phần quan trọng quảng bá sản phẩm Việt đến các đối tác trong và ngoài nước, đã đạt được một số kết quả ban đầu như hợp tác với Quỹ Khoa học công nghệ Nagano (Nhật Bản) để cùng tham gia thiết kế, chế tạo, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch; hợp tác với Công ty RADRIX (Nhật Bản) để thực hiện dự án thiết kế và sản xuất chip theo chuẩn 4G, 5G, đồng thời thành lập liên doanh nhằm thương mại hóa sản phẩm… Và mới đây nhất, ICDREC đã ký với Công ty CM Engineering (Nhật Bản) hợp đồng tư vấn, thiết kế chip chuyển đổi tín hiệu dùng trong mạng cảm biến không dây.
Với giai đoạn hiện nay, ICDREC được giao nhiệm vụ làm đề án Phát triển thị trường và vừa trình Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM với kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những khó khăn về mặt cạnh tranh của sản phẩm vi mạch trong nước thông qua việc nâng cao nhận thức, sự quan tâm của các ban ngành, nhà sản xuất, doanh nghiệp, người tiêu dùng đối với vi mạch điện tử và sản phẩm ứng dụng được nghiên cứu, chế tạo và sản xuất trong nước; tạo ra chuỗi giá trị cung ứng hoàn chỉnh, từng bước khẳng định vị thế vi mạch Việt tại thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt với thị trường Nhật Bản vốn đang có nhiều cơ hội cho Việt Nam…
BÁ TÂN