Từ rẫy trở về, trên vai nặng trĩu củi và đồ đạc nhưng gặp chúng tôi, nữ Anh hùng Kăn Lịch (người Pa Cô, sinh sống tại huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế) vẫn hồ hởi bắt chuyện. Trong những câu chuyện xưa nay xen lẫn, chuyện được vinh dự gặp Bác Hồ, chuyện đánh giặc luôn khiến cả người kể và người nghe xúc động nhất.
Kăn Lịch (ảnh) chính là người nữ dân tộc Pa Cô đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế cầm súng đánh giặc từ rất sớm, khi chỉ 14 tuổi. Được người chú ruột là Hồ Vai hướng dẫn tham gia các hoạt động cách mạng, ban đầu, do còn nhỏ tuổi, Kăn Lịch được phân công làm nhiệm vụ chuyển công văn, thư từ cho cán bộ, du kích trong xã. Đến năm 1961, Kăn Lịch trở thành đội trưởng đội du kích ở xã Hồng Bắc, nơi hứng chịu nhiều mưa bom bão đạn trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đội du kích có 160 người, đã tham gia đánh 49 trận lớn nhỏ, lập nên những chiến công vang dội, trong đó có việc bắn rơi máy bay Mỹ vào năm 1964.
Năm 1967, Kăn Lịch đi bộ vượt dãy Trường Sơn suốt 6 tháng để vào Tây Ninh tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua các lực lượng giải phóng miền Nam lần thứ 2 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân khi vừa tròn 25 tuổi, trở thành nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Pa Cô.
Bà ôn tồn kể: "Già Kăn Lịch vinh dự, hãnh diện lắm vì đã bảy lần được gặp Bác Hồ, được Bác ân cần chỉ bảo với những tình cảm rất thân thương. Năm 1968, lần đầu tiên già được ra miền Bắc gặp Bác, được Bác tặng một cái radio và một cây bút. Trước khi trở về Thừa Thiên, già nhớ như in lời Bác dặn: “Làm anh hùng đã khó nhưng giữ được danh hiệu anh hùng càng khó. Cháu phải luôn phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu đó và làm gương cho bà con noi theo. Cháu nên học tập để biết đọc biết viết, để sau này còn giúp đỡ bà con…”.
Sau ngày giải phóng, Anh hùng Kăn Lịch trở về A Lưới tham gia vào ban chỉ huy quân sự huyện, dù ở cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nghỉ hưu, trở về cuộc sống đời thường, Kăn Lịch vẫn xứng đáng là người con tiêu biểu của đại ngàn Trường Sơn. Kăn Lịch vẫn tích cực tham gia vận động bà con lên nương lên rẫy, tăng gia sản xuất, đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu… Kăn Lịch nói: “Cuộc sống của người dân huyện miền núi A Lưới hôm nay so với trước đã thay đổi nhiều. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới sống du canh du cư, đói nghèo triền miên. Sau giải phóng lại bị ảnh hưởng nặng nề của bom đạn chiến tranh, chất độc da cam nên bệnh tật, đói rét cứ đeo đuổi. Người dân lúc bấy giờ sống rải rác ở các bản làng sâu tít trong dãy Trường Sơn, thiếu thốn đủ bề. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là việc giúp đỡ giống cây trồng, định canh định cư... nên cuộc sống của người dân đã ngày càng khá lên. Bà con đồng bào đã ý thức tự lập hơn, tự chăn nuôi sản xuất, trồng rừng, phát triển kinh tế gia đình, chứ không trông chờ ỷ lại như trước... Tuy vậy, người dân vẫn nghèo cần sự quan tâm giúp đỡ”.
Năm nay đã 70 tuổi nhưng hàng ngày bà Kăn Lịch vẫn cùng chồng lên nương lên rẫy làm việc. Bà Kăn Lịch cho hay, gia đình trồng 10ha rừng kinh tế, trồng ngô, trồng sắn và thả nuôi 3.000 con cá trắm cỏ…, cực nhọc một tý nhưng có thu nhập đều đặn. Nữ Anh hùng Kăn Lịch vẫn tự hào mình đã nuôi dạy các con (một trai, một gái đã lập gia đình) nên người. Ngoài các con ruột, trước đây bà còn nhận nuôi 9 người con nuôi. Đó là trường hợp người em chồng bà đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia về bị bệnh nặng và qua đời, để lại hai đứa con thơ dại. Thương em dâu còn trẻ đã rơi vào cảnh góa bụa, bà nhận nuôi cả hai đứa cháu rồi bảo em dâu đi lấy chồng. Vài năm sau, người anh trai bên chồng lại qua đời, người chị dâu mù lòa, bà lại nhận nuôi tất cả những đứa cháu con của anh trai chồng, rồi nhận thêm 2 cháu mồ côi trong huyện. Nuôi một lúc 11 người con lẫn cháu, trong lúc đồng lương hưu của vợ chồng già chẳng đủ, phải đi làm nương, làm rẫy, trồng ngô trồng sắn để cải thiện thêm. Điều rất mừng là hiện nay các con và cháu của bà Kăn Lịch đều trưởng thành, có gia đình và đã ra ở riêng.
Gia đình Kăn Lịch là tấm gương về đạo đức lối sống của người dân tộc Pa Cô. Bà cùng gia đình hết sức chăm lo giúp đỡ cho bà con lối xóm, những hộ dân nghèo, thiếu ăn thiếu mặc. Hiện nay, bà con trong thôn bản có việc gì thắc mắc hay muốn nghe chuyện về Bác Hồ, về cách đánh giặc, lại tập trung đến căn nhà đơn sơ của bà nằm ngay bên đường Hồ Chí Minh (thuộc tổ 9, cụm 6, thị trấn A Lưới) để nghe bà kể chuyện. Người nào gặp khó khăn, lại nhờ đến tấm lòng rộng lượng, thương người của bà để vượt qua khó khăn.
Phan Lê