Nhà sáng lập Honda

Tuổi trẻ và thử thách

Tuổi trẻ và thử thách
  • Xe đạp động cơ “ Putt-Putt”

Xa hút tầm mắt vẫn không thấy gì cả. Tất cả những cánh đồng đều bị cháy rụi. Tokyo và hầu hết các thành phố khác của Nhật Bản bị phá hủy hoàn toàn. Ba triệu binh lính và 2 triệu thường dân, những người trở về sau cuộc chiến đều bị choáng váng. Hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiếu thốn nặng nề, tình trạng lạm phát tràn lan không thể kiểm soát nổi.

Tuổi trẻ và thử thách ảnh 1

Trong những năm này, Soichiro và vợ ông, bà Sachi, sống cùng bố mẹ vợ và quan sát xu hướng phát triển của thế giới. Hầu hết thời gian này ông chơi nhạc cụ Shakuhachi (một loại sáo của Nhật) và Shogi (một loại cờ của Nhật). Ông chế tạo máy làm kẹo và thử làm muối bằng máy chạy điện trên bờ biển.

Sau một năm tạm nghỉ ngơi, Soichiro thành lập Công ty Honda Gijyutsu Kenkyujo ngay trên nền của nhà máy Tokai Seiki Yamashita cũ. Ông đưa chữ “Gijyutsu” (công nghệ) vào trong tên của nhà máy để nhấn mạnh xu hướng phát triển trong tương lai. Mặc dù các cửa sổ vẫn còn hỏng và những quả bom chưa nổ vẫn còn nằm ngoài sân, ông đã mở công ty mới này với đầy ắp những ước mơ.

Người dân vẫn đang phải chịu cảnh thiếu thốn nhu yếu phẩm trong một xã hội còn đang phải vật lộn với những khó khăn vất vả. Ý tưởng đầu tiên đến với Soichiro là chế tạo khung cửi dệt vải tự động, nhưng vì không có vốn nên ông đã phải từ bỏ ý tưởng này.

Một hôm bạn của ông - Giichi Masuda - mang đến một chiếc động cơ 50cc đã được sử dụng trong quân đội Nhật. Ông Masuda muốn hỏi xem Soichiro có cách nào sử dụng được động cơ này không bởi sau cuộc chiến hệ thống giao thông còn rất nghèo nàn. Tàu hỏa và xe buýt luôn đông nghẹt đến nỗi hành khách phải chui ra bằng đường cửa sổ.

Khi nhìn thấy chiếc động cơ, Soichiro nghĩ: “Một chiếc xe đạp mà được gắn động cơ thì thật tuyệt vời”. Tuy nhiên, ở khắp mọi nơi, dân tình đang phải chịu cảnh thiếu hàng hóa và hầu như không tìm đâu ra một bình nhiên liệu. Đây chính là lúc óc sáng tạo của Soichiro dẫn dắt. Cái gì có thể được sử dụng để thay thế bình nhiên liệu? Ông nghĩ đến mọi thứ và cuối cùng nảy ra ý tưởng từ một bình nước nóng. Điều này mở đầu cho loại xe đạp máy sử dụng nước nóng “Putt-Putt”, tên của chiếc xe xuất phát từ tiếng kêu mà chiếc xe này tạo ra.

Trong thời kỳ hậu chiến đó rất khó kiếm được xăng, vì vậy ông đã phải sử dụng dầu chiết xuất từ rễ thông. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng ông đã chế tạo được chiếc xe đạp có gắn động cơ. Do chỉ có 500 động cơ nên Soichiro phải tự mình chế tạo nên những chiếc xe.

  • Người bạn thân, Takeo Fujisawa

Năm 1947, Soichiro yêu cầu một kỹ sư trẻ tên là Kiyoshi Kawashima, người sau này trở thành chủ tịch Honda Motor nhiệm kỳ II, thiết kế và chế tạo động cơ hai kỳ. Một năm sau, động cơ kiểu chữ A (2 kỳ và 50 cc) cải tiến từ động cơ xe “Putt-Putt” được hoàn thành. Chiếc xe gắn loại động cơ này là sản phẩm đầu tiên của Công ty Honda. Chiếc xe có kiểu dáng đẹp và giành được 60% thị phần nội địa, thậm chí sau đó còn được xuất khẩu sang Đài Loan.

Công ty Honda Motor thành lập vào tháng 9-1948 với số vốn là 1 triệu yên. Để đạt được công suất tối đa, bố của Soichiro, ông Gihei, đã phải bán đất lấy tiền cho Soichiro đầu tư. Tiếp theo động cơ chữ A là động cơ chữ B và C. Tất cả những chiếc xe máy chế tạo ở nhà máy Honda đều bán chạy, và đến năm 1949 công suất hàng tháng lên tới 1.000 chiếc. Mặc dù vậy, tình hình tài chính của công ty vẫn rất eo hẹp, điều này phản ánh điều kiện kinh tế khó khăn của người tiêu dùng vào lúc này.

Sau này Soichiro cho biết ông không hề quan tâm đến lợi nhuận, mà chỉ rất vui khi biết rằng sự sáng tạo của ông đã giúp ích mọi người. Đôi khi, vào những lúc đứng bên bờ vực của sự phá sản, công ty cũng gặp khó khăn trong việc trả lương cho người lao động. Vào đúng thời điểm đó, Soichiro gặp một người đã đem lại sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời của ông. Người đàn ông đó tên là Takeo Fujisawa, sau này trở thành Phó Chủ tịch Honda Motor. Soichiro là một thiên tài sáng tạo, nhưng khả năng quản lý tài chính của ông thì lại hạn chế.

Sau khi bàn bạc với bạn ông, Hirotoshi Takeshima, Honda được giới thiệu với Fujisawa, lúc đó đang là quản lý của một nhà máy nhỏ trong thị trấn. Fujisawa chính là típ người mà Honda đang tìm kiếm. Một thiên tài về sản xuất và một thiên tài về quản lý đã liên kết với nhau. Trong buổi gặp mặt, Soichiro nói với Fujisawa: “Tôi là một kỹ sư, vì vậy tôi sẽ không bao giờ nghe lời khuyên của ông trong lĩnh vực sản xuất”. Fujisawa cũng đáp lại: “Tôi là một thương gia, nhưng tôi không bảo đảm là sẽ đem lại lợi nhuận tức thì. Tôi muốn ông hãy nhìn xa vào tương lai”.

Cả hai đều đồng ý với quan điểm của nhau và họ luôn làm việc trong phạm vi lĩnh vực chuyên môn của mình. Từ đó cho đến khi Fujisawa qua đời, họ là một cặp bài trùng không gì có thể tách rời được. Sức mạnh hiện nay mà Công ty Honda có được là nhờ sự hợp tác giữa Honda và Fujisawa.

Vào tháng 10 năm 1949, Fujisawa đến làm việc với tư cách là Giám đốc Điều hành của Honda. Hai tháng trước đó, Soichiro đã chế tạo thành công động cơ chữ D (2 kỳ, 98cc). Động cơ này không giống với các loại động cơ 2 kỳ trước, nó gắn liền vào chiếc xe máy và mở đầu cho loại xe máy có trọng lượng nhẹ ra đời. Ông gọi chiếc xe đó là “Dream”, bởi vì ông cảm thấy rằng với sản phẩm này, những giấc mơ của ông sẽ trở thành hiện thực.

Trong khi tiến hành dự án này, Soichiro và vợ ông, bà Sachi, đi du lịch đến Kyoto. Soichiro bị cuốn hút vào bức tượng Phật tại đền Sagaji. Ông quỳ trước bức tượng nhiều giờ cho đến tận khi trời tối. Trong một tuần liền, ông đứng ngắm bức tượng phật cổ ở Kyoto. Trong chuyến đi này, ông hết sức ngạc nhiên khi tìm thấy sự tương đồng giữa gương mặt của tượng Phật và mặt trước của chiếc xe “Dream” của ông. Ông cảm nhận được nét truyền thống và vẻ trang trọng trên khuôn mặt bức tượng và quyết định lấy đường nét này đưa vào chiếc xe máy.

Sáu tháng sau, ông Fujisawa thành lập Phòng Kinh doanh ở Kyobashi, Chuo-ku, Tokyo, để đảm bảo nguồn vốn và thúc đẩy việc bán xe “Dream”. Chiến lược của Fujisawa nhanh chóng mang lại kết quả, doanh số bán xe tăng mạnh ở khu vực phía Bắc và phía Đông Nhật Bản. Fujisawa gửi đi những cuốn catalogue giới thiệu về xe “Dream” với đầy đủ thông tin về các cửa hàng bán xe đạp. Chỉ sau một thời gian ngắn, mạng lưới gồm 5.500 cửa hàng đã được thiết lập trên khắp Nhật Bản.

Chuẩn bị cho việc kinh doanh trên phạm vi cả nước, Công ty đã triển khai xây dựng nhà máy ở Kamijyujo, Kita-ku, Tokyo, và sau đó là một nhà máy khác lớn hơn ở Shirako, quận Saitama. Doanh số bán hàng tăng nhanh đến mức sản lượng của nhà máy Shirako với 1.500 xe/tháng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Năm 1953, Công ty mua một vùng đất rộng ở Yamato-machi, quận Saitama, để xây một nhà máy khác. Cùng lúc này, để theo kịp tốc độ mở rộng Công ty, trụ sở chính Honda đã chuyển đến Yaesu, Tokyo. Soichiro cũng chuyển tới Tokyo trước đó 9 tháng. Tốc độ phát triển của Công ty Honda khiến không ai có thể tin được.

HỮU THẮNG

Tin cùng chuyên mục