Là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất, Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng “dân số bạch kim” chiếm tỷ lệ trên 10%. Do không chủ động tích lũy thu nhập và sống phụ thuộc vào con cái, nhiều người già không chỉ cô đơn mà còn rơi nước mắt, tủi thân khi bị đối xử tệ bạc.
Đồng tiền và chữ hiếu
Suốt thời còn trẻ lam lũ, chịu khó làm ăn, vợ chồng bà Tư ở quận Thủ Đức TPHCM tích lũy được căn nhà khá rộng rãi, có vườn tược và hơn 1.000m2 đất. Khi người chồng qua đời vì căn bệnh ung thư, bước vào tuổi 70, bà Tư quyết định bán hết gia sản để chia cho 6 người con cả trai lẫn gái, mỗi đứa trên 1 tỷ đồng. Cậu con út nhận nuôi mẹ và lãnh thêm một phần tài sản dưỡng già của mẹ. Cứ tưởng đã làm xong nghĩa vụ, tận hưởng tuổi già yên lành, nào ngờ bà Tư lại phải rơi lệ khi lâm bệnh nặng, nằm một chỗ. Ngoài bệnh thoái hóa cột sống, huyết áp cao, bà còn bị mờ mắt, mọi sinh hoạt phải nhờ con cái. Lúc bà mới đổ bệnh thì con cái còn xúm vào lo, sau đó thấy mẹ nằm lâu, tốn kém chi phí gồm thuê người làm, tiền chữa bệnh, 6 người con bắt đầu tị nạnh nhau về mức đóng góp. Họ quy trách nhiệm cho chú Út hưởng tiền của bà phải lo nhiều hơn… Tuy mắt mờ, không thể đi lại nhưng bà vẫn cảm nhận được độ hiếu thảo của từng đứa. Thấy chúng cãi nhau vì mẹ già bệnh nặng, bà ứa nước mắt, chỉ muốn ra đi sớm. Ngẫm lại bà thấy mình đã sai khi chia hết tài sản cho con và không giữ lại phần lớn để tự lo thân già. Câu chuyện về nỗi đau, về thân phận nghiệt ngã phải nương tựa con cái lúc tuổi già, bệnh tật của bà Tư khiến nhiều người phải suy ngẫm lại. Có nên cho tặng con cái tất cả tài sản và trông chờ sự phụng dưỡng của chúng hay không?
Phần đông người già sống cùng con cháu
Khác với bà Tư, vợ chồng ông Hoàng ở tuổi 80 vẫn sống thoải mái, yêu đời vì không phải phụ thuộc vào con cái. Lo cho con ăn học đầy đủ và dựng vợ gả chồng cho 3 đứa đàng hoàng, nhưng ông bà không cho chúng tất cả tài sản tích lũy được. Ngoài khoản lương hưu tạm đủ sống, ông bà còn có thêm thu nhập từ khoản cho thuê nhà. Theo quan điểm của ông Hoàng, tài sản của cha mẹ để lại sẽ gieo mầm phúc đức nếu con cái trân trọng, sử dụng đúng mục đích. Còn không sẽ gây họa vì sự tranh giành-huynh đệ tương tàn hoặc ỷ lại, lười phấn đấu vươn lên. Không chỉ chọn cách sống độc lập, tự trang trải cho cuộc sống về già, kể cả chủ động để dành khoản tiền chi xài lúc ốm đau, bệnh tật, ông bà còn để lại di chúc khi bán căn nhà từ đường trị giá khoảng 500 cây vàng chỉ dùng vào mục đích khuyến học, tiếp sức cho các cháu nội ngoại học giỏi, kể cả hỗ trợ đi du học. Nhờ vậy, gia đình ông không phải rơi lệ vì tiền bạc và tuổi già của họ không trở thành gánh nặng cho con cái.
Chuẩn bị cho tuổi già
Theo báo động của Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), cột mốc dân số “bạch kim” của Việt Nam đến sớm hơn 5 năm và đang đặt ra nhiều thách thức đối với Chính phủ, các cấp chính quyền và trong từng gia đình. Theo các chuyên gia, người cao tuổi nữ giới ở nước ta nhiều hơn nam giới và chủ yếu sống ở nông thôn. Vì thế, sự tích lũy ít hơn, hầu như không có lương hưu, trợ cấp và sống phụ thuộc vào con cái nhiều hơn. Hiện nay, chỉ khoảng 30% người cao tuổi có lương hưu, trợ cấp xã hội; số đông còn lại trắng tay, thu nhập bấp bênh. Đã thế, họ còn đối mặt với bệnh tật và phải chi tiền nhiều hơn. Theo điều tra của Bộ Y tế, chỉ 5% người cao tuổi của nước ta có sức khỏe tốt, còn lại 95% mang trong mình nhiều bệnh tật như: huyết áp, viêm khớp, bệnh phổi-phế quản tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, sa sút trí tuệ…Điều đáng nói, chi phí y tế của người cao tuổi thường cao gấp 7 lần so với người trẻ và tính riêng chi phí y tế của nhóm người trên 75 tuổi đã chiếm 30% tổng ngân sách quốc gia. Như thế, nếu người cao tuổi không có sự tích lũy về thu nhập, chuẩn bị khoản chi tiêu khi mất sức, ốm đau…thì sẽ trở thành gánh nặng của con cái lẫn xã hội. Cũng theo các chuyên gia xã hội, lợi tức nhân khẩu ở Việt Nam thấp do người lao động về hưu sớm, nhất là nữ giới (55 tuổi). Đó là chưa kể tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội cũng rất thấp, chủ yếu làm việc ở khu vực phi chính thức. Chính vì thế, phần đông người cao tuổi tích lũy không nhiều hoặc trắng tay, phải phụ thuộc vào con cái… Vậy giải bài toán nan giải này như thế nào? Về phía nhà nước cần có chính sách phát triển thị trường lao động theo hướng mở, linh hoạt, trong đó khuyến khích tận dụng nguồn lao động chất xám đã về hưu, người cao tuổi còn năng lực làm việc... Song song đó, cần mở rộng độ bao phủ của chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế, cải thiện các dịch vụ giáo dục, đào tạo, trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại cho người cao tuổi để họ nâng cao khả năng hội nhập, thích ứng với xã hội hiện đại.
Già hóa dân số đang là thách thức đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nếu không có các bước chuẩn bị cũng như giải pháp ứng phó kịp thời thì thực trạng này sẽ làm cho gánh nặng kinh tế, xã hội trở nên trầm trọng hơn. Để chủ động với cuộc sống về già, khi còn trẻ và có thu nhập, người lao động phải có ý thức tích lũy, chú ý sức khỏe để về già không lâm vào tình trạng bị bệnh tật kép, tốn nhiều chi phí cho dịch vụ y tế.
| |
HÀ ANH