
Nhân dịp tượng đài Chiến thắng Tàu Ô đường 13 được khánh thành, thay mặt Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 7, xin chân thành cảm ơn sự chỉ đạo kịp thời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Cảm ơn sự đóng góp giúp đỡ của Tỉnh ủy - UBND các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, cũng như Thành ủy - UBND TPHCM, cùng các doanh nghiệp, các đơn vị bạn trên địa bàn. Cảm ơn sự đóng góp vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 trên mọi miền Tổ quốc. Đây thực sự là công trình của nghĩa tình đồng đội.

Tượng đài Chiến thắng Tàu Ô đường 13 đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Mùa hè năm 1972 trong chiến dịch Nguyễn Huệ, Trung ương Cục miền Nam chủ trương giải phóng thị xã Hớn Quản (Bình Long) mở rộng vùng giải phóng từ Lộc Ninh tới bắc Chơn Thành. Sư đoàn 7 (Công trường 7) được Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ chốt chặn khu vực Tàu Ô nhằm ngăn chặn, tiêu diệt sinh lực địch, không để một tên lính hoặc một chiếc xe tăng nào của quân đội Sài Gòn lên chi viện cho Hớn Quản.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà Hớn Quản vẫn chưa được giải phóng. Chính quyền Sài Gòn đã huy động nhiều lực lượng tinh nhuệ như: Lữ đoàn dù số 1 từ Tây Nguyên về đổ quân xuống phía Đông và Nam Hớn Quản (Núi Gió và Tân Khai) kết hợp với các sư đoàn bộ binh (Sư đoàn 25, Sư đoàn 9, Sư đoàn 21) và các thiết đoàn tăng thiết giáp (Thiết đoàn 25) từ miền Đông và miền Tây Nam bộ. Chúng biến khu vực bắc Tàu Ô thành địa bàn đối trọng. Tại đây diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, không cân sức giữa Sư đoàn 7 với các đối tượng kể trên. Trong 156 ngày đêm bám trụ kiên cường và anh dũng chiến đấu, Sư đoàn 7 đã tiêu diệt hàng vạn tên địch, bắn cháy nhiều xe tăng, xe thiết giáp và máy bay của chúng.
Để có được kết quả trên, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 7 đã sát cánh cùng quân dân địa phương không quản ngại hy sinh, gian khổ (có 950 liệt sĩ, trong đó có gần 100 đồng chí thuộc bộ đội địa phương và dân quân du kích 2 xã Minh Khai, Minh Hưng). Đầu tháng 9-1973, tờ Bưu điện Washington đã khẳng định: “Trận đánh ở đường 13 chứng minh sự bất lực của quân đội Sài Gòn với hỏa lực của không quân Mỹ”.
Sau gần 40 năm, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 7 đã từng công tác, chiến đấu ở khu vực Tàu Ô luôn trăn trở muốn có một tượng đài trang nghiêm, ghi tạc chiến công oai hùng, tương xứng với máu xương của bao đồng đội và đồng bào đã đổ xuống ở khu vực này. Dẫn đầu là Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 đã đi vận động lãnh đạo chính quyền các địa phương: Bình Phước, Bình Dương, TPHCM và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Đầu năm 2010, Ban Chỉ đạo xây dựng công trình được thành lập. Người đi vận động xin hỗ trợ kinh phí, người lo tìm địa điểm, người lo pháp nhân thiết kế xây dựng… đã hoạt động một cách nhịp nhàng. Vị trí đặt tượng đài được đưa lên khu vực cao nhất trong diện tích 13.000m2, đúng nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của Sư đoàn. Ban Chỉ đạo thi công do Sư đoàn 7 Quân đoàn 4 làm chủ đầu tư đã đôn đốc các nhà thầu thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Sau hơn 5 tháng thi công (khởi công ngày 9-4-2010) với 4 khối lượng công việc: tượng đài, nhà tưởng niệm, sân vườn, tường rào và đường đi, công trình đã hoàn thành. Sáng 23-9-2010, công trình sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Tượng đài Chiến thắng Tàu Ô đường 13 là một công trình văn hóa lịch sử. Đây là một trong hàng chục công trình của tỉnh Bình Phước hưởng ứng lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời, là niềm tự hào của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 cũng như quân và dân Bình Phước hôm nay và mai sau.
Trung tướng PGS-TS Đào Văn Lợi