Ngăn chặn việc lợi dụng khoảng trống pháp lý để hợp thức hóa chỉ định thầu

Việc xác định ranh giới “thế nào là đặc biệt”, “thế nào là chỉ định hợp lý” chưa rõ ràng, có thể tạo ra khoảng trống pháp lý dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa chỉ định thầu.

Chiều 23-5, các đại biểu Quốc hội (ĐB) thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật).

Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đấu thầu, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nhận xét, dự thảo luật quy định theo hướng giao quyền tự quyết định mua sắm cho các tổ chức, doanh nghiệp là chưa thật sự thống nhất với các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu.

“Nếu tổ chức được tự quyết định mua sắm thì liệu có cần áp dụng chỉ định thầu hay không? Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ ràng hơn giới hạn giữa “quyền tự chủ mua sắm” và “trường hợp bắt buộc đấu thầu”, đặc biệt là các tiêu chí định lượng rõ ràng để xác định gói thầu nào bắt buộc áp dụng luật này.

THÔNG 23.jpg
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu tại hội trường, chiều 23-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về các hình thức lựa chọn nhà thầu, dự thảo lần này bổ sung thêm các hình thức như “chỉ định thầu” hay “lựa chọn trong trường hợp đặc biệt”, trong khi vẫn giữ lại nhiều hình thức đấu thầu truyền thống như đấu thầu rộng rãi, hạn chế, chào hàng cạnh tranh. Điều này khiến hệ thống lựa chọn nhà thầu trở nên quá phức tạp và dễ bị lạm dụng. Việc xác định ranh giới “thế nào là đặc biệt”, “thế nào là chỉ định hợp lý” chưa rõ ràng, có thể tạo ra khoảng trống pháp lý dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa chỉ định thầu.

Cũng quan tâm đến nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phân tích, dự thảo quy định theo hướng cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của từng gói thầu, dự án để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả; nhưng sau đó lại vẫn phải tổ chức đấu thầu. “Rồi người trúng vẫn là nhà đầu tư đó. Như vậy tổ chức đấu thầu để làm gì?”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu vấn đề.

Theo ĐB, trường hợp này không nên quy định tiếp tục đấu thầu, song phải quy định rành mạch tiêu chí cho phép lựa chọn nhà thầu để tránh sự móc nối giữa chủ dự án, nhà đầu tư, gây thiệt hại cho ngân sách.

DỰ.JPG
ĐB dự họp chiều 23-5 tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đang hoạt động trong ngành y tế, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) bày tỏ đồng tình với việc dự thảo luật có cơ chế riêng về lựa chọn nhà thầu (khác với quy trình đấu thầu các dự án đầu tư công).

Nguyễn Khánh Thu - Thái Bình.JPG
ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu tại hội trường, chiều 23-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo ĐB, điều này “đã tháo gỡ nút thắt kéo dài nhiều năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong lĩnh vực y tế khi các bệnh viện tự chủ tài chính có nguồn thu hợp pháp từ các hoạt động mà nguồn thu chính là thu dịch vụ y tế”. Tuy nhiên, ĐB lưu ý rà soát một số khái niệm, chính sách trong dự thảo để có sự đồng bộ, thống nhất với các luật cũng đang được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này như Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cũng như Luật Công nghiệp công nghệ số.

Tin cùng chuyên mục