*Trường THPT Nhân Việt tưởng niệm sự kiện đảo Gạc Ma
(SGGPO).- Trưa 14-3, tại cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC, đóng tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Ban liên lạc cựu chiến binh và cựu quân nhân bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng, Chi hội quận Sơn Trà tổ chức gặp mặt và làm lễ thả vòng hoa tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma.
Đây là năm thứ 4 Ban liên lạc cựu chiến binh và cựu quân nhân bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng, Chi hội quận Sơn Trà tổ chức buổi gặp mặt nghĩa tình Trường Sa và tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Thả vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Tại đây, các cựu chiến binh và cựu quân nhân gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm những ngày sống, làm việc và chiến đấu bảo vệ đảo. Các cựu binh và cựu quân nhân cũng tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã gửi lại thân xác nơi đảo xa.
Sau khi nhắc lại những ngày tháng hào hùng, chiến đấu và bảo vệ đảo, các cựu binh, cựu quân nhân đã thả vòng hoa tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và ngã xuống trên đảo Gạc Ma.
Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Chính ủy Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn 83 công binh, Quân chủng Hải quân) đã nhắc lại sự kiện bi hùng trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988: 9 giờ ngày 13-3-1988, tàu HQ 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và HQ 505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhận lệnh, từ đảo Đá Lớn đến đóng giữ Gạc Ma và Cô Lin, phối hợp 2 phân đội công binh 70 đồng chí Trung đoàn Công binh 83, 4 chiến sĩ đo đạc, Đoàn 6 Bộ tham mưu Hải quân, 4 tổ chiến đấu 22 đồng chí Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân do đồng chí Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó chỉ huy. Thả neo được 30 phút thì tàu hộ vệ Hải quân Trung Quốc từ đảo Huy Gơ tiến đến, có lúc chỉ cách nhau 500m. 17 giờ ngày 13-3-1988 tàu Trung Quốc áp sát HQ 604 và gọi loa bắt ta rời đảo nhưng 2 tàu 604 và 505 vẫn kiên quyết giữ đảo, chúng cơ động chạy quanh đảo uy hiếp ta. Trước tình hình căng thẳng do Hải quân Trung Quốc gây ra, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam chỉ thị đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ đảo. Lực lượng công binh khẩn trương hạ xuồng đưa vật liệu lên Gạc Ma và cắm bờ Tổ quốc. Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ hạm đội Nam Hải có pháo 100mm yêu cầu Việt Nam rút khỏi nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn kiên cường.
Hải quân Trung Quốc bất ngờ nã pháo khiến tàu 604 hư hỏng nặng, chìm xuống biển, đồng chí Vũ Phi Trừ và Trần Đức Thông cùng nhiều chiến sĩ hy sinh.
Trong 64 cán bộ chiến sĩ dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn ra đi trong cuộc đụng độ khốc liệt ngày 14-3-1988, TP Đà Nẵng có 9 người, trong đó có 7 người đều ở khu vực Hòa Cường và 1 người ở Quảng Nam. Tất cả đều nhập ngũ năm 1987, được huấn luyện tại đoàn 126 Hải quân đến tháng 9-1987 thì về Trung đoàn 83 Công binh Quân chủng Hải quân. Đầu năm 1988 đơn vị hành quân vào Cam Ranh nhận nhiệm vụ đi Trường Sa.
Các cựu binh, cựu quân nhân tổ chức lễ tưởng niệm 64 anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma
Nguyên Khôi
Trường THPT Nhân Việt tưởng niệm sự kiện đảo Gạc Ma
Sáng 14-3, trong lễ chào cờ đầu tuần, hơn 500 thầy trò trường THPT Nhân Việt, TPHCM đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 28 năm sự kiện đảo Gạc Ma (1988-2016).
Trong không khí trang nghiêm và xúc động thầy và trò trường Nhân Việt đã cùng nhau ôn lại sự kiện lịch sử thiêng liêng, đáng nhớ này. Đó là sự kiện hào hùng không thể nào quên xảy ra ở đảo Gạc Ma-nơi 64 chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền đảo trước sự xâm lăng của Trung Quốc.
Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường nhắn nhủ, ngày hôm nay không chỉ giúp các em biết thêm về lịch sử, về chủ quyền biển đảo thiêng liêng mà còn nhắc nhở thầy trò chúng ta không được quên sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ tổ quốc trước quân xâm lược. Điều này cũng nhắc các em phải nỗ lực học tập hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của cha, anh, tiếp nối truyền thống hào hùng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của chúng ta.
Ấn tượng hơn là cả thầy cô, học sinh của trường đều khoác trên mình bộ đồng phục hải quân được thiết kế để mặc vào những ngày đầu tuần, các sự kiện liên quan đến biển đảo của trường. Hơn nữa, việc tổ chức sự kiện này do học sinh lớp 10 – Gạc Ma lên ý tưởng và dàn dựng hoạt cảnh về trận chiến anh hùng trên đảo Gạc Ma.
Học sinh lớp 10 - Gạc Ma tái diễn hoạt cảnh về trận chiến Gạc Ma
Theo chia sẻ của các em học sinh, nếu không tổ chức tưởng niệm các chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng là chúng ta có lỗi với họ. Để giáo dục truyền thống yêu nước, tình yêu biển đảo, ngoài lớp 10 mang tên đảo Gạc Ma, còn lại 14 lớp khác trong của Trường Nhân Việt cũng được đặt tên theo 14 hòn đảo thiêng liêng của Trường Sa, Hoàng Sa.
Dịp này, các em còn hát vang bài “lớp 10 Gạc Ma” do nhạc sĩ Trần Hải Bắc lần đầu tiên sáng tác gửi tặng thầy trò của trường nhân sự kiện 14-3 này.
Tin, ảnh Khánh Bình