Sau khi các trường ĐH công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS), hàng vạn thí sinh bị loại và hy vọng vào chỉ tiêu xét tuyển NVBS đợt 2. Trong đợt xét tuyển lần này, cơ hội để thí sinh vào các trường ĐH công lập gần như rất hiếm. Tuy cơ hội còn nhiều cho thí sinh ở các trường ngoài công lập song thí sinh cần phải có sự tính toán và cân nhắc về học phí ở các trường ngoài công lập.
Hàng vạn thí sinh rớt NVBS
Theo Th.S Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, hồ sơ đăng ký xét tuyển NVBS vào trường năm nay tăng đột biến, hơn 20.000 hồ sơ. Trong đó, ngành Giáo dục tiểu học (hệ CĐ) chỉ tiêu 250 nhưng gần 4.500 hồ sơ nộp vào, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường (hệ ĐH) 60 chỉ tiêu nhưng gần 1.300 hồ sơ đăng ký. Những ngành còn lại lượng hồ sơ cũng nhiều gấp 4 - 5 lần so với chỉ tiêu xét tuyển. Do đó, khi trường xác định điểm trúng tuyển NVBS, sẽ có hơn 15.000 hồ sơ của thí sinh bị rớt (khoảng 8.000 thí sinh trượt NVBS) phải tiếp tục chạy theo NVBS đợt 2.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM chỉ tiêu xét tuyển NVBS chỉ có 1.000 nhưng có gần 10.000 hồ sơ nộp vào. Nếu tính luôn cả hồ sơ hệ CĐ, tổng hồ sơ đăng ký NVBS của trường lên đến gần 20.000. Ngày 13-9, trường công bố điểm chuẩn NVBS, hàng vạn hồ sơ của thí sinh cũng đã bị loại.
Trường ĐH Ngân hàng TPHCM chỉ tiêu xét tuyển NVBS chỉ có 720 chỉ tiêu nhưng có hơn 10.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trường ĐH Sư phạm TPHCM 520 chỉ tiêu nhưng có đến gần 6.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trường ĐH Cần Thơ trên 7.000 hồ sơ đăng ký so với gần 1.000 chỉ tiêu cần tuyển.
Trong khi đó, nhiều trường tốp giữa như ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Mở TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải - Cơ sở 2… lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển cũng nhiều gấp 3 - 4 lần so với chỉ tiêu cần xét tuyển.
Hy vọng trường ngoài công lập
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013, những trường chưa đủ chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét tuyển NVBS đợt 2 kéo dài trong 20 ngày. Những thí sinh không đậu NVBS đợt 1 được quyền rút lại hồ sơ để tiếp tục đăng ký xét tuyển cho đợt tiếp theo. Lệ phí đăng ký xét tuyển là 30.000 đồng
Tại phía Bắc, nhiều trường như Trường ĐH dân lập Hải Phòng, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Hòa Bình, ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Lương Thế Vinh… lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 chưa vượt quá 50% so với chỉ tiêu. Tại phía Nam, nhiều trường kết quả xét tuyển NVBS cũng không khá hơn. Các trường như ĐH Phan Thiết, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Tân Tạo, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kinh tế tài chính TPHCM… kết thúc xét tuyển NVBS đợt 1 lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển cũng chưa đạt tới 70% chỉ tiêu cần tuyển.
Với kết quả như trên, hàng loạt trường ngoài công lập tiếp tục dành từ 30% - 50% chỉ tiêu cho xét tuyển NVBS đợt 2.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, dù trường lấy điểm trúng tuyển NVBS đợt 1 chỉ bằng điểm sàn năm 2013, nhưng trường sẽ tiếp tục dành 780 chỉ tiêu hệ ĐH xét tuyển NVBS đợt 2 cho 22 ngành. Hệ CĐ trường tiếp tục xét tuyển thêm 400 chỉ tiêu cho 19 ngành.
Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp tục dành 300 chỉ tiêu cho 16 ngành hệ ĐH xét tuyển NVBS đợt 2 và 1.000 chỉ tiêu xét tuyển cho hệ CĐ ở 22 ngành. Trong đó, ngành Dược học (hệ ĐH) xét khối A, B với điểm chuẩn 16 điểm, những ngành còn lại điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT năm 2013. Ngoài ra, trường cũng vừa được Bộ GD-ĐT cho phép xét tuyển ngành Công nghệ sinh học y dược với mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn các khối A, A1, B.
Các trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kinh tế tài chính TPHCM, CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ Đồng Nai... cũng tiếp tục dành từ 30% - 50% chỉ tiêu để xét tuyển NVBS đợt 2 với mức điểm xét tuyển bằng điểm sàn các khối A, B, C, D năm 2013 của Bộ GD-ĐT.
Như vậy, ở đợt xét tuyển NVBS đợt 2, thí sinh chỉ hy vọng trúng tuyển vào các trường ngoài công lập. Với những trường công lập ở các địa phương, dù vẫn tiếp tục xét tuyển NVBS đợt 2 nhưng không có nhiều cơ hội cho thí sinh vì tổng chỉ tiêu chỉ dao động từ 50 - 100 chỉ tiêu và mỗi ngành chỉ xét khoảng 10 - 20 chỉ tiêu.
THANH HÙNG