Tuyển sinh ĐH-CĐ 2014: Trường “ém” thông tin, ai chịu thiệt?

Đến thời điểm này, các trường đại học và cao đẳng đã hoàn tất việc xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 trên website của trường cũng như Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Cùng với việc xác định chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường công khai rõ các thông tin chỉ tiêu cụ thể từng ngành, thông tin về học phí, các điều kiện đảm bảo chất lượng nhưng thực tế hàng loạt trường chỉ công khai nửa vời. Cách làm này thật sự gây khó khăn cho thí sinh, thậm chí còn chịu thiệt khi làm hồ sơ đăng ký dự thi cũng như khi trường xác định điểm trúng tuyển.
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2014: Trường “ém” thông tin, ai chịu thiệt?

Đến thời điểm này, các trường đại học và cao đẳng đã hoàn tất việc xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 trên website của trường cũng như Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Cùng với việc xác định chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường công khai rõ các thông tin chỉ tiêu cụ thể từng ngành, thông tin về học phí, các điều kiện đảm bảo chất lượng nhưng thực tế hàng loạt trường chỉ công khai nửa vời. Cách làm này thật sự gây khó khăn cho thí sinh, thậm chí còn chịu thiệt khi làm hồ sơ đăng ký dự thi cũng như khi trường xác định điểm trúng tuyển.

        Công khai nửa chừng

Để giúp thí sinh có đầy đủ thông tin khi làm hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, ngay từ 6-1-2014, Bộ GD-ĐT đã có công văn nhắc nhở và yêu cầu các trường đăng ký thông tin tuyển sinh và hoàn thành vào ngày 15-1. Dù trong công văn Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đến việc các trường công bố chỉ tiêu ở từng ngành, điều kiện tuyển sinh các ngành năng khiếu, môn thi năng khiếu, hệ số môn năng khiếu (nếu có); số chỗ trong ký túc xá; điểm xét tuyển chung toàn trường hoặc theo ngành, khối thi; mức học phí tính theo tháng (đối với các trường ngoài công lập)... nhưng nhiều trường thực hiện việc công khai này một cách qua loa.

Thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường Đại học Sư Phạm TPHCM năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

Thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường Đại học Sư Phạm TPHCM năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn công khai thông tin trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh rất sơ sài như: chỉ tiêu ĐH: 1.650, CĐ: 650. Tất cả 8 ngành hệ ĐH và 8 ngành hệ CĐ đều không có chỉ tiêu cụ thể. Đáng nói hơn, trường có ngành Thiết kế công nghiệp tuyển hàng loạt khối gồm A, A1, C, D1, H, V. Trong đó, khối H, V có thi môn năng khiếu nhưng trường cũng không cho biết tính điểm như thế nào.

Tương tự, Trường ĐH Hoa Sen cũng chỉ công bố tổng chỉ tiêu năm 2014 là 3.020 (ĐH: 2.520 chỉ tiêu, CĐ: 500 chỉ tiêu). Trường CĐ Viễn Đông cũng thế, tổng chỉ tiêu của trường năm nay là 7.290 chỉ tiêu. Trong đó, CĐ chính quy 4.500 nhưng chỉ tiêu ở từng ngành cũng không được công khai cụ thể.

Về thông tin học phí được công khai trên website của các trường cũng theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, bất chấp yêu cầu công bố học phí theo tháng. Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam thông báo mức học phí các ngành thuộc khối kinh tế và kỹ thuật đào tạo theo tín chỉ: 230.000 - 270.000 đồng/tín chỉ. Tuy nhiên, ngành Sức khỏe (điều dưỡng và dược sĩ) lại có học phí từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, có trường thì vừa thông báo học phí theo tháng, theo năm và theo cả tín chỉ. Nhưng vấn đề mà thí sinh quan tâm nhất hiện nay chính là biên độ tăng học phí của các trường lại không có trường nào công khai về lộ trình tăng học phí và mức tăng là bao nhiêu.

Đối với những trường có uy tín như Trường ĐH Sư phạm TPHCM, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Tài chính Marketing... hiện nay nhiều ngành tuyển sinh từ 2 đến 3 khối. Tuy nhiên, chỉ tiêu cho mỗi khối cũng không được chia rạch ròi để thí sinh nắm rõ.

        Nhiều hệ lụy

Với cách tuyển sinh hiện nay, việc một ngành tuyển sinh nhiều khối sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho thí sinh ở các khối thi, đồng thời công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo cũng dễ thở hơn. Tuy nhiên, việc thiếu minh bạch về thông tin chỉ tiêu có thể dẫn đến thí sinh sẽ bị thiệt thòi khi trường công bố điểm chuẩn hoặc xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS).

Trong mùa tuyển sinh năm 2013, nhiều thí sinh và phụ huynh rất bức xúc khi biết điểm trúng tuyển ngành Sư phạm toán của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Tổng chỉ tiêu của ngành Sư phạm toán là 170 cho 2 khối A, A1. Nhưng khối A1 chỉ có 197 thí sinh dự thi còn khối A có số thí sinh dự thi nhiều gấp 5 lần, 1.009 thí sinh dự thi. Thế nhưng khi xác định điểm chuẩn, hội đồng tuyển sinh của trường lại lấy chung mức điểm chuẩn khối A, A1 là 24,5 điểm. Như vậy, chưa tính điểm ưu tiên, khối A1 chỉ có vỏn vẹn 5 thí sinh trúng tuyển. Trong khi đó, khối A có đến 90 thí sinh trúng tuyển.

Một ví dụ khác cũng cho thấy tỷ lệ thí sinh dự thi giữa các khối ở từng ngành có sự chênh lệch khá lớn. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ngành Công nghệ thực phẩm tổng chỉ tiêu là 250 cho 3 khối A, A1, B. Trong đó, chưa tính điểm ưu tiên khối B có đến 198/2.190 thí sinh dự thi trúng tuyển NV1 (20,5 điểm); khối A1 có 15/1.711 thí sinh dự thi trúng tuyển NV1 (19,5 điểm), khối A có 111/7.765 thí sinh dự thi trúng tuyển NV1 (19,5 điểm)…

Chia sẻ về thông tin trên, trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TPHCM cho rằng: “Không công khai chỉ tiêu cụ thể ở từng khối thi của một ngành có nhiều khối thi là bỏ qua quyền lợi của thí sinh lần thứ nhất. Đến khâu xác định điểm trúng tuyển, các trường vì muốn mau lẹ nên cứ “chặt” đại mức điểm chuẩn mà không cần cân đo đong đếm giữa các khối và như thế quyền lợi thí sinh bị bỏ quên lần thứ hai”.

Cũng theo vị trưởng phòng đào tạo này, ở những trường tốp đầu và những ngành có sự cạnh tranh khốc liệt, các trường nên phân chia rõ chỉ tiêu ngay từ đầu để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Cùng với vấn đề chỉ tiêu, thông tin học phí cũng thu hút và quyết định đến việc chọn nghề, chọn trường của thí sinh lẫn gia đình. Thực tế hiện nay học phí của các trường công lập được điều chỉnh theo lộ trình của Chính phủ, các trường ngoài công lập và trường công lập tự chủ tài chính đều có mức học phí bình quân 15 - 40 triệu đồng/năm.

Đó là chưa nói một số chương trình dạy bằng tiếng Anh mức học phí trên 100 triệu đồng/năm. Người học sẽ chấp nhận và theo học ngành và trường mình đã chọn dù học phí, phụ phí có cao nhưng với điều kiện thông tin phải được công khai ngay từ đầu. Còn với cách công khai “nửa vời” như hiện nay sẽ còn nhiều cảnh tân sinh viên phải ngậm ngùi bỏ học vì không kham nổi học phí.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục