Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014: Chính sách ưu tiên có nhiều thay đổi

Biến động điểm ưu tiên
Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014: Chính sách ưu tiên có nhiều thay đổi

Điểm nổi bật trong dự thảo mới của Bộ GD-ĐT về đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 là giao cho các trường tự tổ chức tuyển sinh riêng và cải tiến việc cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng cho thí sinh. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng nhiều đến thí sinh cũng như xác định chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo.

Thí sinh điều chỉnh thông tin hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM.

Thí sinh điều chỉnh thông tin hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM.

Biến động điểm ưu tiên

Nhiều năm nay, quy chế tuyển sinh quy định những thí sinh thuộc nhóm 1 (từ đối tượng 1 - 4) và nhóm 2 (từ đối tượng 5 - 7) sẽ được hưởng ưu tiên theo đối tượng, còn các thí sinh thuộc khu vực 1 (KV1), khu vực 2 - nông thôn (KV2-NT), khu vực 2 (KV2) sẽ được hưởng ưu tiên theo khu vực.

Với quy định này, điểm chênh lệch giữa thí sinh trúng tuyển được ưu tiên cao nhất (nhóm ưu tiên 1 và KV1) với thí sinh không được ưu tiên (KV3) là 3,5 điểm. Theo đó, KV1 gồm các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Với quy định như vậy, diện thí sinh được hưởng ưu tiên KV1 rất lớn.

Tuy nhiên, với tình hình điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hiện nay, dư luận cho rằng cần rà soát và tính toán lại chính sách ưu tiên cho hợp lý hơn. Trước yêu cầu này, tại hội nghị tuyển sinh diễn ra vào ngày 28-12-2013, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo điều chỉnh quy định ưu tiên tuyển sinh.

Theo đó, thí sinh được ưu tiên KV1 phải thuộc các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III (xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định tại Quyết định số 30 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 447 của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho các xã giáp biên giới, các xã hải đảo. Như vậy, dự kiến sẽ có một số lượng lớn thí sinh trước đây được xếp vào KV1 nay sẽ chỉ được hưởng ưu tiên KV2-NT (giảm 0,5 điểm ưu tiên) hoặc KV2 (giảm 1 điểm ưu tiên).

Mặt khác, trước đây thí sinh có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số sẽ được xếp vào diện đối tượng 1 nhưng theo dự thảo mới để được công nhận là đối tượng 1 thì cha mẹ của thí sinh phải ở những vùng thuộc KV1 theo dự thảo quy định mới, nếu không chỉ được xếp vào đối tượng 6 (giảm 1 điểm ưu tiên).

Nhiều thí sinh sẽ giảm điểm ưu tiên

Thống kê tuyển sinh ĐH trong 2 năm 2012 và 2013 cho thấy các thí sinh thuộc KV3 (không được ưu tiên) chỉ chiếm 13% - 14%. Như vậy, hàng năm đã có hơn 1 triệu lượt thí sinh thi ĐH được cộng điểm từ 0,5 đến 3,5 điểm. Trong đó ưu tiên do KV chiếm tuyệt đại đa số (82% tổng số thí sinh) và trong đó số thí sinh được ưu tiên theo KV1 dao động hàng năm lên đến 33% - 39% (trên dưới 450.000 thí sinh).

Với chính sách ưu tiên trước đây, cơ cấu sinh viên của ĐH Quốc gia TP là 25% sinh viên thuộc KV3, 25% sinh viên thuộc KV2, 20% sinh viên thuộc KV2-NT và 30% sinh viên thuộc KV1. Theo PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nếu dự thảo mới được thông qua, tỷ lệ thí sinh được hưởng ưu tiên KV1 sẽ giảm rất nhiều.

Ví dụ như TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) có hơn 8.000 lượt thí sinh (chiếm 1/5 tổng số thí sinh của tỉnh) trước đây được hưởng ưu tiên KV1, nhưng theo quy định mới thì toàn bộ 13 phường và 9 xã của TP này sẽ không được xếp vào diện khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi như trước đây. Tương tự, nhiều TP khác của các tỉnh Tây Nguyên theo quy định mới, thí sinh sẽ không được hưởng ưu tiên.

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh quyết định cơ cấu sinh viên của các trường ĐH-CĐ, và từ đó có liên quan đến chế độ chính sách học bổng, miễn giảm học phí cũng như những chế độ chính sách khác. Hơn thế nữa, chính sách ưu tiên tuyển sinh, nhất là ưu tiên theo khu vực, có tác động rất lớn đến đào tạo nguồn nhân lực cho từng địa phương.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục