Tính đến thời điểm này, dù mới đi một nửa chặng đường xét tuyển nguyện vọng (NV)1 vào các trường ĐH-CĐ theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhưng với nhiều trường, nhiều ngành xem như đã “về đích” khá sớm.
Thí sinh nộp hồ sơ tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành để đăng ký xét tuyển NV1.
Trường ĐH Cần Thơ xác lập kỷ lục khi tính đến thời điểm này đã có hơn 10.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển trong khi chỉ tiêu là 8.600. Ngành Công nghệ thực phẩm tuyển 180 chỉ tiêu nhưng có đến 1.156 hồ sơ đăng ký. Ngành Luật tuyển 300 chỉ tiêu (học tại cơ sở chính) nhưng đã có đến hơn 2.300 hồ sơ đăng ký xét tuyển, còn chuyên ngành Luật hành chính học tại cơ sở Hậu Giang tuyển 80 chỉ tiêu nhưng có 511 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM ban đầu đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 18 điểm, với chỉ tiêu cần tuyển là 4.400. Tuy nhiên, đến thời điểm này lượng hồ sơ nộp trực tiếp tại trường gần 4.000 hồ sơ, chưa tính hồ sơ gửi qua đường bưu điện. Theo cán bộ tuyển sinh của trường, nhiều khả năng điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) NV1 sẽ tương đương năm 2014 (21 điểm) hoặc cao hơn một chút.
Trường ĐH Sư phạm TPHCM tuyển 3.300 chỉ tiêu. Tính đến cuối ngày 7-8, trường đã nhận hơn 5.000 hồ sơ (chưa tính lượng hồ sơ nộp qua đường bưu điện). Lãnh đạo nhà trường cho biết, với lượng hồ sơ này, nhiều ngành có điểm chuẩn không dưới 30 điểm (môn chính nhân hệ số), ví dụ như ngành Sư phạm Toán và Sư phạm Anh, Sư phạm Hóa...
Theo thông tin Trường ĐH Y Dược TPHCM công bố, ngành Y đa khoa (bác sĩ đa khoa) 400 chỉ tiêu nhưng hồ sơ đăng ký xét tuyển NV1 đã có gần 900 hồ sơ, trong đó 338 TS đạt từ 27,5 điểm trở lên (không nhân hệ số). Trong số 400 chỉ tiêu của ngành đã tính luôn chỉ tiêu tuyển thẳng, cử tuyển và dự bị. Trong khi đó, ngành Bác sĩ răng hàm mặt với 100 chỉ tiêu, nhưng cũng có 99 TS đạt từ 24 điểm trở lên…
Trường ĐH Sài Gòn không chỉ có lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nhiều nhất tại TPHCM với hơn 7.000 hồ sơ mà ở mỗi ngành cũng có hồ sơ cao gấp cả 10 lần so với chỉ tiêu. Ngành Sư phạm Toán có 40 chỉ tiêu cho hai tổ hợp (khối A, A1) nhưng có đến 422 hồ sơ đăng ký. Ngành Kế toán có 350 chỉ tiêu nhưng có đến 1.724 hồ sơ đăng ký. Ngành Ngôn ngữ Anh có 250 chỉ tiêu nhưng có đến 2.204 hồ sơ đăng ký.
Theo ghi nhận chung ở một số trường đại học ở phía Bắc, những trường tốp trên khá bội thu hồ sơ. Học viện Ngoại giao hiện có 213 hồ sơ đăng ký trên tổng số 450 chỉ tiêu tuyển sinh; Đại học Bách khoa Hà Nội đến nay đã nhận được trên 5.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển trên tổng số 6.000 chỉ tiêu tuyển sinh; Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội hiện nhận được hơn 1.300 hồ sơ đăng ký xét tuyển...
Năm nay số thí sinh đăng ký xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội đang khá “dè dặt”. Nếu chỉ tính thí sinh đăng ký NV1 thì hiện chưa ngành nào của Đại học Y Hà Nội có hồ sơ đủ chỉ tiêu. Ngành luôn có điểm chuẩn cao nhất là bác sĩ y đa khoa, số hồ sơ nhận được là 420 trên 500 chỉ tiêu (điểm của thí sinh đăng ký vào y đa khoa chủ yếu từ 28 trở lên). Đến nay đại học này có 2 thí sinh được điểm cao nhất là 32,25 (đã tính ưu tiên) đăng ký dự tuyển. Ngành cử nhân khúc xạ nhãn khoa, hồ sơ nhận được là 32/50 chỉ tiêu; bác sĩ y học cổ truyền: 29/50 chỉ tiêu; bác sĩ y học dự phòng: 31/100 chỉ tiêu; bác sĩ răng - hàm - mặt: 34/80 chỉ tiêu... Thấp nhất là ngành cử nhân y tế công cộng, hiện mới chỉ có 6 hồ sơ trên tổng số 30 chỉ tiêu.
Thanh Hùng
Ngày 20-8 là hạn cuối cùng để thí sinh nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường. Rất nhiều câu hỏi của thí sinh, phụ huynh gửi về đường dây nóng của Bộ GD-ĐT liên quan đến công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015. Ông Trần Văn Nghĩa (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ thêm một số
băn khoăn này.
° Phóng viên: Một số thí sinh cho biết có nghe thông tin rằng Bộ GD-ĐT không cho đăng ký 1 ngành 4 tổ hợp?
° Ông TrẦn Văn Nghĩa: Nếu trường dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển một ngành phải chỉ ra độ vênh điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp đó (có thể chọn độ vênh bằng nhau). Chính vì vậy thí sinh không phải dùng cả 4 tổ hợp để xét 1 ngành mà chỉ cần chọn 1 tổ hợp tốt nhất để đăng ký. Ví dụ: một ngành dùng khối A, A1, D1 để xét tuyển. Trường công bố: điểm trúng tuyển khối A cao hơn điểm trúng tuyển khối A1 và D1 là 0,5 điểm. Nếu thí sinh có kết quả thi cả 3 khối như sau: A: 23,5 điểm A1 23, D1 23,5.
Như vậy tổ hợp tốt nhất để thí sinh đăng ký là khối D1 và thí sinh chỉ đăng ký khối D1 để xét tuyển, vì điểm trúng tuyển của trường nếu khối A là 24 thì khối A1 và khối D1 sẽ là 23,5. Như vậy chỉ dùng điểm khối D1 mới có thể trúng tuyển.
° Trong 20 ngày của đợt xét tuyển thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp sang trường khác. Vậy thí sinh phải làm như thế nào để chuyển đăng ký: gửi thư điện tử hay đến trực tiếp trường ĐH đó để rút hồ sơ?
° Quy định về cách thức rút hồ sơ để nộp sang trường khác là tùy thuộc vào từng trường, nhưng phần lớn các trường sẽ yêu cầu thí sinh đến trường để rút hồ sơ. Thí sinh cũng có thể ủy quyền cho người thân bằng văn bản để rút thay. Sau khi rút hồ sơ, thí sinh điền lại nguyện vọng ở giấy đăng ký xét tuyển và sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi đã rút ra để nộp sang trường khác. Và khi đó, hồ sơ của thí sinh ở trường mới vẫn được coi là hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 giống như những hồ sơ đã nộp trước đó.
° Trong một đợt xét tuyển có bắt buộc phải điền đầy đủ 4 ngành đăng ký xét tuyển hay không? Chỉ chọn 1 - 2 ngành được không? Việc xét tuyển thực hiện cụ thể như thế nào?
° Thí sinh không bắt buộc phải điền đủ cả 4 ngành, đặc biệt là không nên đăng ký vào các ngành mà mình không muốn học vì khi đã đăng ký và đỗ vào ngành đó thì thí sinh không có quyền đăng ký xét tuyển ở đợt xét tuyển tiếp theo. Khi thí sinh đăng ký nhiều ngành trong một trường, trước hết trường đó sẽ xét ngành thứ nhất của thí sinh, nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành thứ nhất, nguyện vọng vào các ngành sau sẽ không được xem xét. Nhưng nếu thí sinh không trúng tuyển vào ngành thứ nhất, trường sẽ xét đến ngành thứ 2 của thí sinh và nếu không trúng tuyển vào ngành thứ 2 trường mới xét đến nguyện vọng vào ngành thứ 3…
Như vậy, một mặt thí sinh không nên đăng ký những ngành mình không muốn học nhưng nếu đăng ký nhiều nguyện vọng trong một trường thì khả năng trúng tuyển của thí sinh tăng lên rất nhiều.
° Theo quy định, sau khi biết điểm thi rồi mới nộp hồ sơ vào các trường, trường hợp nếu thí sinh đậu vào cả hai trường thì thí sinh chọn trường nào cũng được, còn kết quả của trường còn lại sẽ hủy?
° Đối với xét tuyển NV1, thí sinh chỉ có thể đăng ký vào 1 trường, như vậy không thể xảy ra trường hợp thí sinh trúng tuyển vào cả hai trường đều xét tuyển bằng kết quả thi THPT (chỉ có thể trúng tuyển thêm vào các trường tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập). Còn khi đăng ký xét tuyển NV bổ sung (nếu thí sinh trượt NV1), thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào tối đa 3 trường và thí sinh có thể trúng tuyển vào cả 3 trường.
LÂM NGUYÊN (ghi)