

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật khiếu nại, tố cáo (KN-TC) đang ngày càng trở thành một yêu cầu mà các sở ngành, quận huyện, phường xã… gửi đến Thanh tra TPHCM. Bà Bùi Thị Tuyết Hương (ảnh), Phó phòng Pháp chế tổng hợp - Thanh tra TP, cho biết như vậy, nhân dịp sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về KN-TC cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn” (Đề án 3 của Chính phủ) đến năm 2010, tại TPHCM.
° PV: Thưa bà, so với cùng kỳ năm 2008, việc triển khai Đề án 3 trong 6 tháng đầu năm 2009 có kết quả như thế nào?
° Bà BÙI THỊ TUYẾT HƯƠNG: Trong thời gian qua, chúng tôi đã phát hành 1.282 cuốn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN-TC do Thanh tra TP biên soạn, để đưa đến tay cán bộ, nhân dân 24 quận, huyện. Thông qua tài liệu này, công dân sẽ hiểu được việc KN-TC là một trong những quyền cơ bản được Hiến pháp quy định; đồng thời, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần nhận thức rõ rằng, làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết KN-TC là góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, tài liệu cũng giúp cán bộ, nhân dân nắm được đầy đủ những vấn đề then chốt như quyền lợi và nghĩa vụ của người KN-TC, người bị KN-TC; trách nhiệm của cơ quan tiếp công dân, cơ quan Nhà nước; các quy trình, trình tự tiếp nhận, xử lý đơn thư…
Để công dân dễ dàng nắm bắt các kiến thức về công tác tiếp dân, về khiếu nại và giải quyết KN-TC…, chúng tôi đã phát tổng cộng gần 10.000 tờ rơi, 314 đĩa CD cho cán bộ, nhân dân các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP. Song song đó, chúng tôi cũng tổ chức được 10 hội nghị tập huấn về Luật KN-TC, Luật Phòng chống tham nhũng và nghiệp vụ giám sát của Ban Thanh tra nhân dân cho 1.589 lượt cán bộ các Sở Y tế, GTVT và cán bộ UBND, UBMTTQ các quận, huyện.
Ngoài ra, Tổ tuyên truyền của Thanh tra TP còn tổ chức tuyên truyền Luật KN-TC đến 1.900 lượt công dân các địa phương.
° Các cơ quan truyền thông đã đóng vai trò gì trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật KN-TC?
° Các cơ quan truyền thông của TP như Báo SGGP, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM và Hãng phim Giải Phóng đã phối hợp, hỗ trợ rất tích cực và hiệu quả trong triển khai thực hiện Đề án 3. Trang chuyên đề Pháp luật - Công dân phát hành thứ năm hàng tuần trên Báo SGGP đã chuyển tải một cách sinh động kiến thức về Luật KN-TC thông qua các hình thức đa dạng và phong phú như tin, bài phản ánh - điều tra, bình luận, hỏi đáp…
Chương trình “Góc Luật sư” do Đài Truyền hình TP thực hiện cũng đã tạo một kênh thông tin pháp luật KN-TC rất bổ ích với các tình huống diễn ra trong đời sống thường ngày, được chuyên gia ngành luật “gỡ rối”, giải thích tận tình. Trong khi đó, Hãng phim Giải Phóng đảm đương việc tuyên truyền pháp luật KN-TC đến với đồng bào các dân tộc ít người.
Hiệu quả mang lại từ các kênh truyền thông chưa thể đong đếm được, tuy nhiên chúng tôi hiểu là nó có sức lan tỏa rất lớn, sâu rộng và lâu dài.
° Qua thực tế triển khai, điều gì cần phát huy và vướng mắc nào cần được điều chỉnh?

Những đợt tuyên truyền, phổ biến này sẽ giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện KN-TC; đồng thời nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ và đề cao trách nhiệm của cán bộ cấp xã, phường, thị trấn trong tiếp công dân, giải quyết KN-TC, ngăn ngừa và hạn chế việc vi phạm Luật KN-TC.
Khó khăn hiện nay nằm ở chỗ lực lượng báo cáo viên của Thanh tra TP còn mỏng, cả tổ tuyên truyền chỉ có 8 người và còn phải tập trung nhiều cho công tác chuyên môn. Những lần đi cơ sở tuyên truyền, hầu như cả Phó Chánh thanh tra Hoàng Đức Long và trưởng - phó phòng Pháp chế tổng hợp đều phải thường xuyên trực tiếp triển khai.
° Từ đây đến cuối năm, trọng tâm kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 3 là gì?
° Chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật KN-TC dành cho cán bộ, nhân dân các xã, phường, thị trấn; sơ khảo vào tháng 9 và vòng chung kết sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay. Bên cạnh đó, Thanh tra TP sẽ luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tổ chức tuyên truyền về pháp luật KN-TC từ các ngành và địa phương.
QUÝ LÂM (thực hiện)