Những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, thị trường ngoại hối không có nhiều biến động, một sự khác thường so với thời điểm này năm trước. Tỷ giá trên thị trường tự do sát với tỷ giá chính thức. Đây là tín hiệu tích cực mở đầu năm mới 2012.
- Tỷ giá không căng thẳng
Từ giữa tháng 1-2012, tình hình mua bán đô la tại ngân hàng cũng như trên thị trường tự do có sự chững lại rõ rệt. Điển hình ngày 18-1, giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại (NHTM) bất ngờ giảm xuống 21.000 đồng/USD, giảm từ 106-116 đồng/USD so với mức giá của một ngày trước đó. Giá đô la trên thị trường tự do của ngày này cũng ở mức dưới 21.000 đồng/USD.
Đáng chú ý, cùng ngày, Sở Giao dịch NHNN đã tăng mạnh mua vào USD với mức giá lên tới 20.850 VND, tăng đến 230 VND so với nhiều ngày trước. Trước tình hình này, có thông tin cho rằng Nhà nước đang tăng mua vào ngoại tệ để dự trữ. Hai ngày tiếp theo là 19 và 20-1, giá niêm yết mua vào và bán ra USD tiếp tục giảm xuống khoảng 20 đồng.
Lãnh đạo một ngân hàng lớn cho hay, lượng ngoại tệ đang rất dồi dào, nhu cầu của khách hàng không lớn lắm. Đặc biệt, có những thời điểm giá xuống thấp hơn niêm yết của các ngân hàng. Sự chênh lệch giá không đáng kể giữa các điểm thu đổi ngoại tệ bên ngoài và giá niêm yết tại các nhà băng là hiện tượng lạ so với những năm trước đây khi giá đô la dịp cận Tết Nguyên đán thường tăng mạnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn phải vất vả để điều hành tỷ giá.
Đây là một tín hiệu khá tích cực trên thị trường ngoại hối năm nay.
- Tiền đồng lên ngôi
Năm 2011 có chuyển biến khá tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ. NHNN đã chủ động và linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá. Từ việc liên tục điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, áp trần lãi suất ngoại tệ cho đến việc siết lại các hoạt động mua bán ngoại tệ đã làm giảm việc tích trữ ngoại tệ và giao dịch ngoại tệ một cách tràn lan. Việc xử phạt nghiêm ngặt đối với những trường hợp vi phạm giao dịch ngoại tệ trái phép, đã phần nào giảm được hiện tượng đô la hóa trong nền kinh tế.
Mặt khác, các thông tin vĩ mô gần đây cũng là một nguyên nhân không kém phần quan trọng trong việc ổn định tỷ giá. Cung ngoại tệ trong nền kinh tế cũng đã dồi dào hơn khi lượng kiều hối năm 2011 lên đến 9 tỷ USD, các dòng vốn khác như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn viện trợ phát triển (ODA)… vẫn duy trì khả quan. Trong khi đó nhập siêu cũng đã giảm xuống khá mạnh. Do vậy, cung cầu ngoại tệ không còn mất cân đối như trước.
Bên cạnh đó, việc chênh lệch lãi suất gửi USD và VND lên tới 12% một năm cũng đã khiến cho người dân chuyển sang chuộng tiền đồng vì có lợi hơn so với việc giữ ngoại tệ. Và một điều quan trọng không thể thiếu chính là lòng tin phần nào được phục hồi. Còn nhớ cuối tháng 8-2011, tại một cuộc họp với 12 ngân hàng lớn trong nước, NHNN cam kết điều hành tỷ giá biến động không quá 1% tới cuối năm. Đã có nhiều nghi ngờ về khả năng thực hiện mục tiêu này nhưng đến thời điểm này NHNN đã làm đúng cam kết.
Bước sang đầu năm 2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng tỷ giá sẽ không đáng lo ngại và mức biến động nếu có chỉ không quá 3%. Hiện tại, có lẽ nhiều người dân tin tưởng vào tuyên bố này, họ không còn tích trữ USD và sẵn sàng bán USD ra thị trường.
PHÚ THUẬN