Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm vừa tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến của nhiều đại biểu trong giới mỹ thuật tại TPHCM về đề án Quy hoạch phát triển ngành mỹ thuật Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiều vấn đề nóng và khó đã được đặt ra.
Nhức nhối tượng đài
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, nhà nước nên xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo không gian thoáng để mỹ thuật phát triển chứ không nên quy hoạch cứng nhắc; nên xây dựng Viện nghiên cứu mỹ thuật, quy tụ đội ngũ chuyên gia giỏi, đưa người đi đào tạo ở nước ngoài, nghiên cứu lịch sử lý luận và nghệ thuật học. Điều này vừa đáp ứng yêu cầu chuyên môn vừa có thể đào tạo các chuyên gia phục vụ việc phục chế, tu bổ các di sản văn hóa quốc gia.
Thực trạng đào tạo và sáng tác ngành mỹ thuật trở thành vấn đề đáng quan tâm hiện nay. “Theo tôi, chúng ta chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành các cấp, thiếu quy hoạch tổng thể đô thị, nhiều nơi còn chắp vá, tùy tiện. Ở các công trình xây dựng tại Pháp, Hàn Quốc, người ta thường dành 1% kinh phí cho mỹ thuật. Hai ngành quan hệ mật thiết như “anh em ruột” là kiến trúc và mỹ thuật lẽ ra phải song hành, trong khi thực tế ở VN đa phần chỉ chú trọng kiến trúc còn xem nhẹ, thiếu quan tâm đến mỹ thuật”, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên bày tỏ. Ông dẫn chứng, nhiều nơi làm tượng phải đỏ mắt tìm điểm đặt, có tượng trơ trọi giữa ngã ba ngã tư, tượng sản phẩm của các trại sáng tác lại không tìm được chỗ đặt, một số được dồn vào một bãi đất trống trong góc công viên, số khác nằm kho hoặc vất lăn lóc ở gầm cầu thang…
Tượng đài là một thực trạng nhức nhối của ngành mỹ thuật, vấn đề này một lần nữa được hội thảo đề cập khá nhiều. Những năm trước, mỗi tượng được duyệt chừng 1 - 2 tỷ đồng, sau đó tăng lên hàng chục tỷ đồng, gần đây dư luận lại choáng với công trình tượng đài được duyệt lên đến hơn 400 tỷ đồng. Thế nhưng điều đáng nói, chất lượng tượng đài tỷ lệ nghịch với tiền đầu tư. “Nếu không đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhiều tượng đài sẽ chỉ là tranh cổ động hình khối”, nhà phê bình Nguyễn Quân bức xúc. Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, cả nước có 360 công trình tượng đài, nếu chia bình quân 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh có gần 6 công trình tượng đài, chưa thể nói nhiều!
Bảo tồn mỹ thuật truyền thống
Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM kể, tham quan Khoa thiết kế thời trang của Học viện Công nghệ hoàng gia Melbourne (Australia), thấy rất tự hào và xúc động khi thổ cẩm các dân tộc Việt Nam được trưng bày tại đây và dành cho sinh viên các nước tham khảo nghiên cứu về họa tiết, màu sắc, chất liệu. Nhưng thực tế đáng buồn, vẻ đẹp thổ cẩm các dân tộc nước ta đang dần biến mất, bởi nhiều nơi, máy móc đang dần thay thế việc dệt thổ cẩm thủ công truyền thống.
Theo bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, do đầu tư dàn trải nên chưa có nhiều tác phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu lịch sử, nhất là những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng. “Nên đưa giáo dục nghệ thuật và di sản vào trường phổ thông”, nhà phê bình Nguyễn Quân nhìn nhận. Ở một góc khác, họa sĩ Uyên Huy bổ sung thêm, nhà nước luôn chủ trương bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong nghệ thuật, nhưng để chủ trương thành thể chế cụ thể để thực hiện lại chưa rõ ràng. Ông Vi Kiến Thành cho biết sắp tới, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm sẽ có nhiều hội thảo, có sự tham gia của ban soạn thảo đề án để người trong nghề thảo luận và phản biện sâu hơn vấn đề này.
| |
Minh An