
Không ai nghĩ rằng khoai lang - thứ cây trồng để “chống đói”, lại có thể giúp nông dân ở xã Đắc Búc So (huyện Đắc R’lấp tỉnh Đắc Nông) trở thành những tỷ phú!
Từ hành trình tìm cây trồng
Để được mắt thấy, tai nghe chuyện người nông dân làm giàu từ việc trồng cây khoai lang, chúng tôi tìm về xã biên giới Đắc Búc So. Rời quốc lộ 14, từ ngã ba Đắc Song, chúng tôi đi theo quốc lộ 14 C, xuyên qua mấy chục cây số đường rừng. Đắc Búc So, xã biên giới mới được thành lập hơn chục năm. Trước đây, ở vùng đất này, người nông dân thường tập trung trồng cây cà phê, lúa, mì. Hiếm có nơi nào diện tích đất đai bình quân đầu người lại lớn như Đắc Búc So, bình quân 1,5 km2 trên một đầu người.

Khoai lang xuất khẩu BEN NI AZU MA được trồng tại Đắc Búc So.
Đất đai màu mỡ, nhưng chuyện làm giàu từ đất quả thực không phải dễ. Cây cà phê, thứ cây chiếm phần lớn diện tích đất canh tác ở vùng đất này, lại luôn phập phù về giá cả. Dăm bảy năm nay, người trồng cà phê ở Đắc Búc So chỉ lấy công làm lãi. Mà nguồn nước cho cà phê ngày càng chật vật. Cây mì được đưa vào vùng đất Đắc Búc So những năm 90 của thế kỷ trước, với mệnh danh là cây xóa đói nhưng cũng chỉ được mấy năm, bởi cái thứ cây này làm cho đất trở nên khô cằn. Tiếp đến là trồng cao su.
Đã có hàng trăm héc-ta cao su tiểu điền được trồng ở Đắc Búc So. Nhưng người ta vẫn nghi ngại về sự phát triển cũng như hiệu quả kinh tế của nó, bởi Đắc Búc So nằm ở độ cao trung bình trên 700m so mặt biển. Ở độ cao này, những nhà khoa học khuyến cáo không nên trồng cao su. Vậy lẽ nào nông dân Đắc Búc So không thể làm giàu? Câu hỏi cứ đeo bám những cán bộ tâm huyết với vùng đất Đắc Búc So.
Năm 2002, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp 19-5 thành lập, tạo chỗ dựa cho nông dân Đắc Búc So. Và những cán bộ HTX như chủ nhiệm Bùi Văn Lâm - người cựu chiến binh đã có hơn hai mươi năm gắn bó với Tây Nguyên, chính là những người đi tiên phong, tìm ra cây trồng phù hợp vùng đất này. Các anh lặn lội tới các tỉnh Nam bộ, miền Trung và cả các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bình Phước để học hỏi kinh nghiệm làm ăn về truyền đạt cho bà con.
Trong hành trình ấy, cơ may đã đến, khi các anh đặt chân tới xã Phú Hội huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng. Đây là vùng đất trồng khoai lang xuất khẩu nổi tiếng với tên khoa học BEN NI AZU MA và cũng là nơi Công ty D.J.F (Nhật Bản) đặt trụ sở để thu mua và chế biến khoai lang làm hàng xuất khẩu. Khi thấy thổ nhưỡng, khí hậu của Đắc Búc So phù hợp cây khoai lang BEN NI AZU MA, Chủ nhiệm Lâm mạnh dạn tìm gặp Ban Giám đốc Công ty D.J.F và bước đầu được chấp thuận, với điều kiện là lãnh đạo công ty này sẽ quyết định sau chuyến kiểm tra thực địa.
Ngay trong chuyến học hỏi kinh nghiệm ấy, anh Lâm trực tiếp dẫn đoàn cán bộ Công ty D.J.F về tìm hiểu chất đất ở Đắc Búc So. Kết quả thật đáng mừng là vùng đất ở Đắc Búc So rất phù hợp với cây khoai lang. Công ty D.J.F đã chấp nhận ký hợp đồng cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho nông dân Đắc Búc So.
Đến chuyện làm giàu từ khoai lang
Năm 2003 - năm đầu tiên trồng cây khoai lang xuất khẩu, nhiều hộ nông dân ở Đắc Búc So vẫn còn e ngại nên chỉ có gia đình anh Lâm và một vài hộ nữa mạnh dạn nhận trồng. Vụ một, cũng là vụ chính của năm 2003 chỉ có vài ba hộ trồng được 3 ha; trong đó riêng hộ chủ nhiệm Lâm trồng hơn 1 ha.

Nông dân Đắc Búc So thu hoạch khoai lang vụ 2.
Sau khi trồng một vụ thành công, cho năng suất và hiệu quả vượt trội so với cây trồng khác cùng thời vụ, đến vụ thứ hai hàng chục hộ dân ở Đắc Búc So nhận ký hợp đồng trồng khoai lang xuất khẩu. Mặc dù vụ hai là trồng trái vụ, phải tưới hàng chục đợt trong suốt 3,5 tháng từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch, nhưng diện tích cây khoai lang tăng vọt lên 50 ha. Đến năm 2004, diện tích khoai lang tăng lên 300 ha, và năm 2005 vừa qua lên đến 600 ha.
Nông dân Đắc Búc So thực sự giàu lên nhờ cây khoai lang. Cây khoai lang thay thế dần diện tích cây ngắn ngày có hiệu quả kinh tế thấp như lúa rẫy, mì; thậm chí cả rẫy cà phê kém hiệu quả cũng được bà con chuyển đổi sang trồng khoai lang. Nhiều vùng đất trước đây để hoang hóa, nay khoai lang lên xanh tím. Đắc Búc So trở thành vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất Tây Nguyên. Cây khoai lang xuất khẩu trở thành cây được người dân nói đến nhiều nhất trong chuyện làm ăn của mình.
Chủ tịch UBND xã Phạm Thiên Viết đánh giá: “Thành công của mô hình trồng khoai lang xuất khẩu mở ra hướng thoát nghèo cho trên 100 hộ bà con M’nông ở hai bon (bon có nghĩa là thôn của người M’nông) Bu Ndrung và Bu Boong”. Việc vận động bà con hai bon đồng bào M’nông trồng khoai lang xuất khẩu, công đầu phải kể đến chủ nhiệm Lâm. Ngay trong năm đầu tiên trồng cây khoai lang xuất khẩu, anh Lâm đã đứng ra vận động và hỗ trợ giống, phân bón làm thí điểm mô hình tại hộ K’Rơm ở bon Bu Boong.
Trong quá trình làm mô hình trình diễn cho hộ K’Rơm, anh Lâm cùng cán bộ xã vận động bà con hai bon tới tham quan, học tập kinh nghiệm. Khi thấy 1,2 sào khoai lang của K’Rơm cho nguồn thu gấp nhiều lần so với cây trồng khác trên cùng diện tích, cái bụng bà con vui lắm, ai cũng muốn làm theo. Vậy là hộ nào cũng đăng ký trồng khoai lang xuất khẩu. Bà con thiếu vốn, giống thì được huyện Đắc R’lấp hỗ trợ tiền mua giống, được HTX cung ứng trước phân bón, lại có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên diện tích khoai lang trong các bon tăng nhanh chóng.
Đến năm 2005, cả hai bon Bu Boong và Bu Ndrung đã trồng được hơn 50 ha khoai lang. Tiếng lành đồn xa, khi thấy bà con M’nông ở Đắc Búc So làm ăn khá nhờ trồng thành công cây khoai lang xuất khẩu, bà con các xã lân cận cũng tìm đến học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng thử.
Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Ngọc Quyền, Phó phòng kinh tế huyện Đắc R’lấp cho biết: “Mô hình trồng khoai lang xuất khẩu ở Đắc Búc So được huyện chọn nhân rộng ở nhiều buôn làng khác. Thậm chí, nông dân ở các tỉnh bạn như Đắc Lắc, Bình Phước, Gia Lai và Kon Tum cũng tìm đến Đắc Búc So để học hỏi kinh nghiệm và mua giống về sản xuất”.
Hiệu quả kinh tế mà cây khoai lang mang lại đã làm cho doanh thu từ nông nghiệp của Đắc Búc So tăng nhanh chóng. Tổng kết năm 2005, toàn xã Đắc Búc So đạt tổng giá trị sản phẩm xã hội từ nông nghiệp 44,1 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ khoai lang đã lên đến 16,2 tỷ đồng. Nếu so sánh với cây cà phê-cây trồng được xác định là cây kinh tế mũi nhọn, với diện tích 1.203 ha, nhiều hơn gấp hai lần diện tích khoai lang, nhưng trong năm 2005 doanh thu từ cà phê của Đắc Búc So chỉ đạt 18 tỷ đồng. Ấy là chưa kể đầu tư, chăm sóc vườn cà phê tốn kém gấp nhiều lần so với đầu tư trồng khoai lang.
Thời điểm chúng tôi có mặt ở Đắc Búc So là lúc người nông dân đang đổ ra đồng khoai, nhà thì thu hoạch nốt rẫy khoai còn lại của vụ hai năm 2005, hộ khác lại rốt ráo ươm giống cho vụ một năm 2006. Chúng tôi phải lặn lội ra tận vườn ươm mới gặp được chủ nhiệm Lâm. Anh Lâm dẫn chúng tôi tới rẫy khoai gia đình anh đang thu hoạch.
Củ khoai lang chất chồng trên những luống đất vừa được bươi lên. Khoai lang vừa bươi lên khỏi mặt đất liền được chia thành hai loại, củ to để xuất khẩu, loại nhỏ dành ươm giống. Công việc thu hoạch khoai lang cũng không mấy vất vả. Đất tơi xốp, nên không phải dùng mai, cuốc mà chỉ cần dùng tay gạt nhẹ lớp đất mỏng trên luống là củ khoai trật ra từng lớp, nổi đầy trên mặt đất.
Anh Lâm cho biết, bình quân 1 ha khoai lang cho năng suất 15 tấn/vụ, với giá trung bình theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm của Công ty D.J.F là 3,5 ngàn đồng/kg thì chỉ một vụ người dân đã thu nhập được hơn 50 triệu đồng/ha. Có những hộ chăm sóc tốt, trồng đúng kỹ thuật, năng suất có thể lên đến 30-40 tấn/ha/vụ.
Anh Lâm khẳng định: “Chuyện thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm đã là bình thường ở Đắc Búc So”. Gia đình anh Lâm, với 8 ha trồng khoai, mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Gia đình anh Đông ở thôn 8, trồng hơn 10 ha khoai lang xuất khẩu, tiền lãi ròng mỗi năm lên đến hơn 1 tỷ đồng. Đã có những mùa khoai lang trái vụ, như năm 2004, giá bán lên đến 8 ngàn đồng/kg, nông dân Đắc Búc So thắng đậm. Vậy là, từ trồng khoai lang xuất khẩu, Đắc Búc So đã xuất hiện những tỷ phú chân đất.
Nông dân Đắc Búc So trồng khoai lang mà tính chuyện xây nhà, mua xe máy, ô tô. Có những hộ còn “tậu đất, cất nhà” ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều gia đình còn có điều kiện một lúc lo cho hai, ba con ăn học đại học cũng nhờ trồng cây khoai lang xuất khẩu.
Đắc Búc So hiện đã trở thành vùng cung cấp nguyên liệu chính cho Công ty D.J.F và là vùng sản xuất khoai lang lớn nhất Tây Nguyên.
KIỀU BÌNH ĐỊNH