Tỷ phú quýt hồng… VietGAP

Đột phá
Tỷ phú quýt hồng… VietGAP

Từ một nông dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng nhờ nỗ lực vươn lên và biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảng viên Lưu Văn Tín (ảnh), 49 tuổi, ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) mạnh dạn đột phá từ mô hình trồng quýt hồng đặc sản.

Đột phá

Về xã Long Hậu vào những ngày đầu tháng 2-2015, hỏi tỷ phú quýt hồng Lưu Văn Tín, ai cũng biết. Thấy khách đến thăm, anh Tín vui vẻ đưa ra vườn quýt đang cho trái sai oằn màu vàng óng ả trông rất đẹp mắt. Anh cho biết, vụ này thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ kinh nghiệm và tận dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên 6,5 công quýt hồng vẫn đạt chất lượng và sản lượng, ước tính khoảng 60 tấn trái (cao hơn vụ trước 10 tấn). Giá quýt hồng được các thương lái từ TPHCM, các tỉnh ĐBSCL đến mua tại vườn từ 27.000 - 30.000 đồng/kg, với giá này giúp gia đình thu nhập khoảng 1,3 - 1,4 tỷ đồng/năm, cao gấp nhiều lần so trồng lúa. “Hồi tết năm 2014 vừa qua, cũng khu vườn này tui bán với giá 26.500 đồng/kg, thu về 1,2 tỷ đồng. Trong khi năm 2012 và 2013, mỗi năm bán được khoảng 1 tỷ đồng… Nhờ quýt hồng trúng mùa, trúng giá nên mấy năm qua gia đình cải thiện cuộc sống rất tốt” - anh Tín tâm sự.

Theo anh Tín, trước đây cũng với 6,5 công đất, vợ chồng anh áp dụng trồng lúa 3 vụ nhưng thu được không bao nhiêu. Thấy việc đeo bám cây lúa khó làm giàu nên anh chuyển sang trồng hoa màu các loại. Công việc trồng màu tương đối vất vả, suốt ngày phải bám miết ngoài đồng để phun thuốc, bón phân, tưới nước… nhưng nhiều lúc tới vụ thu hoạch thì gặp cảnh “dội chợ - rớt giá”, không lời được gì, thậm chí có khi lỗ vốn. Suy nghĩ nát nước tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, quyết vươn lên từ mảnh đất của mình. Cuối cùng anh Tín “thử vận” với cây quýt hồng. Anh nhớ lại: “Cái khó của cây quýt hồng là rất dễ bị bệnh vàng lá và khi vườn cây nào bị bệnh này thì xem như phá bỏ, bởi dù có trị tốn kém nhiều tiền nhưng vẫn không hết bệnh. Bên cạnh đó, quýt hồng mỗi năm chỉ thu hoạch được một vụ, trong khi chi phí đầu tư rất cao; vì vậy nếu thiếu vốn, không vững kỹ thuật… sẽ không trồng được. Bù lại, do quýt hồng bán vào dịp tết nên được giá cao”. Phân tích kỹ những hạn chế cũng như ưu điểm của cây quýt hồng, anh Tín chủ động từ việc thiết kế khu vườn hợp lý, trồng giống sạch bệnh, chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, anh còn gắn kết chặt với ngành nông nghiệp địa phương, các nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam… để học hỏi phương pháp đề phòng bệnh vàng lá; học cách xử lý ra hoa, đậu trái, xử lý màu cho trái quýt đẹp hơn… Cần cù chịu khó, nên khu vườn của anh luôn xanh tốt và tỷ lệ cho trái rất cao. Nhờ đó, liên tục 5 năm gần đây chỉ với 6,5 công quýt hồng nhưng anh thu được lợi nhuận rất cao, ít người theo được.

Liên kết phát triển

Vươn lên làm giàu từ cây quýt hồng đặc sản, nhiều năm qua anh Tín được chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, tỉnh… Năm 2012, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về trồng quýt hồng hiệu quả cao. Cũng từ việc sản xuất giỏi nên năm 2007, anh Tín vinh dự được kết nạp vào Đảng. Đồng chí Tạ Văn Hội, Bí thư Huyện ủy Lai Vung (Đồng Tháp) nhận xét: “Đảng viên Lưu Văn Tín là một trong những nông dân đột phá sản xuất theo phương pháp mới, biết tận dụng khoa học vào thực tế để chuyên canh vườn quýt hồng hiệu quả cao. Mô hình trồng quýt hồng thu tiền tỷ của đảng viên Tín đang được khuyến khích, nhân rộng để nhiều nông dân học hỏi, cùng áp dụng, cùng làm giàu”.

Thành công với cây quýt hồng, nhưng anh Tín luôn trăn trở làm sao để mô hình này phát triển bền vững. Được sự hỗ trợ của Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, anh Tín cùng 12 hộ lân cận đứng ra thành lập Tổ sản xuất quýt hồng Long Hưng 1 và tiên phong trồng quýt hồng tiêu chuẩn VietGAP. Sau thời gian kiên trì thực hiện, tháng 7-2012, tổ sản xuất được Phân viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quýt hồng VietGAP. Cũng trong năm này, Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm quýt hồng Lai Vung. Anh Tín nhìn nhận: “Giá quýt hồng trước đây chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg; riêng 4 - 5 năm nay tăng lên mức 22.000 - 30.000 đồng/kg, đảm bảo cho người dân lời nhiều. Mặt khác, quýt hồng VietGAP đã “đuổi” quýt Trung Quốc chạy mất…”.
 
Để đưa trái quýt hồng tiếp tục đi xa, mới đây UBND huyện Lai Vung chỉ đạo thành lập Hợp tác xã quýt hồng và anh Tín được tập thể tín nhiệm bầu làm giám đốc và đang xúc tiến để đưa quýt hồng vào siêu thị, cũng như gắn kết với các doanh nghiệp trái cây, các chủ vựa lớn ở TPHCM, Hà Nội và ĐBSCL… tiêu thụ quýt hồng số lượng lớn, giá cao nhằm tăng lợi nhuận cho nông dân.


Huỳnh Phước Lợi

Tin cùng chuyên mục