Uber - Ưu và khuyết

Ưu điểm gây tranh cãi
Uber - Ưu và khuyết

Không riêng ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia, dịch vụ tiện ích Uber cũng là chủ đề bàn cãi quyết liệt trong bối cảnh dịch vụ này thu hút đông người sử dụng nhưng lại khiến các nhà chức trách đau đầu vì chưa có biện pháp kiểm soát.

Ưu điểm gây tranh cãi

Ra đời từ năm 2009 tại California, Mỹ, Uber là một dịch vụ tận dụng chức năng điện thoại di động thông minh để giúp những người có phương tiện vận tải rảnh rỗi kết nối trực tiếp với người có nhu cầu đi lại. Đây là một mô hình kinh doanh ra đời dựa trên nhu cầu của một nền kinh tế chia sẻ. Đến nay, Uber đã xuất hiện ở 200 TP tại 45 quốc gia.

Uber được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn vì ưu điểm cước phí thấp, chặng hành trình được thông báo chi tiết, tài xế thân thiện, xe sạch sẽ, đời mới hơn. Người tiêu dùng cho rằng khi dùng Uber, họ có cảm giác thoải mái không khác gì đi xe nhà với xe riêng, tài xế riêng. Nhưng sự ra đời của Uber đã khiến giới taxi truyền thống lo ngại. Một loạt hãng kinh doanh vận tải ở nhiều nước đã lên tiếng phản đối và yêu cầu nhà chức trách phải có các biện pháp mạnh nhằm đem đến một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.

Tài xế taxi ở London, Anh, biểu tình phản đối dịch vụ.

Hàng loạt cuộc tuần hành phản đối Uber diễn ra tại nhiều quốc gia châu Âu, đỉnh điểm là cuộc biểu tình của giới tài xế taxi Anh, Tây Ban Nha, gây tắc nghẽn nghiêm trọng tại London, Madrid hàng giờ liền. Ngày 2-12, chính quyền TP Oslo, Na Uy, tuyên bố đang xem xét việc cấm Uber hoạt động do cảnh sát phản ánh các tài xế Uber không trình đủ giấy tờ cần thiết lúc vận hành phương tiện chở hành khách. Uber bắt đầu bị phản đối tại Na Uy từ  tháng 11 năm nay sau khi nhiều hãng taxi phàn nàn Uber đã phá hỏng “nồi cơm” của họ. Chính phủ Đức tạm cấm Uber hoạt động từ tháng 8 năm nay. Vào ngày 12-12 tới, tòa án Pháp sẽ xem xét việc cấm Uber hoạt động trên toàn quốc.

Khai sinh ở Mỹ nhưng Uber cũng bị phản ứng dữ dội tại quốc gia này. Nhiều TP lớn ở Mỹ yêu cầu Uber tạm ngưng cung cấp dịch vụ. Thái Lan cũng vừa tuyên bố Uber là hoạt động bất hợp pháp. Chính phủ Indonesia đã tiến hành thu giữ nhiều xe Uber ở Jakarta vì thiếu giấy phép kinh doanh.

Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia châu Á có tranh cãi khi Uber bắt đầu hoạt động. Rắc rối của Uber tại Ấn Độ xuất phát từ việc giới tài xế taxi nước này phàn nàn tài xế Uber vi phạm luật thanh toán qua thẻ tín dụng của Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI). RBI yêu cầu mọi thanh toán qua thẻ tín dụng phải xác thực hai bước. Trong khi đó, Uber chỉ kết hợp với hãng ví điện tử Paytm. Vì thế, bất kỳ ai sử dụng hệ thống Uber sẽ không cần trực tiếp dùng thẻ tín dụng nữa và không cần đến xác minh hai bước. Để giải quyết ổn thỏa các cáo buộc trên, Uber đã đề nghị gia hạn 45 ngày để có thời gian nâng cấp xe hơi, xử lý xác thực hai bước.

Singapore cũng đang soạn lại các quy định nhằm đưa Uber vào vòng kiểm soát. Nước này cho biết sẽ điều chỉnh lại dịch vụ đặt chỗ taxi, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải đăng ký với cơ quan chính phủ trước tháng 4-2015. Theo đó, luật quy định cho các doanh nghiệp chuyên đặt chỗ xe taxi, sẽ do Bộ Giao thông đường bộ Singapore soạn thảo. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ chỉ được phép sử dụng các tài xế và xe thương mại. Những xe phi thương mại hoạt động như taxi (thông qua dịch vụ đi chung) sẽ bị cấm. Đăng ký sẽ được gia hạn lại sau mỗi 3 năm. Theo sau Singapore, các quốc gia lân cận hiện cũng đang bắt đầu thực hiện những hành động pháp lý tương tự.

Phản ứng thái quá

Dù không thể phủ nhận tiện ích mà Uber đem lại nhưng người dùng  dịch vụ tiện ích này đã có lo ngại sau khi nhiều thông tin scandal của Uber bị tiết lộ trước công chúng. Một số khách hàng bày tỏ lo lắng Uber không có chính sách bảo vệ bí mật của người sử dụng dịch vụ,; tài xế Uber có thể theo dõi hành trình của khách hàng một cách tự do khiến sự an toàn của hành khách sẽ khó được đảm bảo. Đáp lại những lo ngại này, Uber cho biết họ áp dụng chính sách rất nghiêm khắc nhằm cấm nhân viên và tài xế ghi lại hành trình và thói quen đi lại của khách hàng. Tuy nhiên, sau khi vị Phó Chủ tịch Emil Michael tuyên bố sẽ tung thông tin cá nhân của một nữ nhà báo có bài điều tra chỉ trích Uber, nỗi lo ngại này lại dâng cao. Ngoài ra, còn có những cáo buộc tài xế Uber quấy rối tình dục khách hàng.

Theo BBC, để phản ứng lại những cáo buộc nhằm vào mình, lãnh đạo Uber đã có những hành động được cho là phản ứng thái quá. Khi thông tin chỉ trích Uber xuất hiện trên các tờ báo thế giới, Phó Chủ tịch Emil Michael khẳng định sẽ chi 1 triệu USD để thuê các nhà nghiên cứu và nhà báo để phản biện lại những ý kiến của giới truyền thông. Tuy Uber sau đó đã phủ nhận nhưng hình ảnh của dịch vụ tiện ích này đã suy giảm ít nhiều trong mắt công chúng.

Blomberg cho biết, dù vướng phải không ít chỉ trích nhưng Uber vẫn là dịch vụ mang lại mức lợi nhuận cao ở thời điểm này. Giá trị của Uber tăng thêm 1,5 tỷ USD, đạt hơn 17 tỷ USD sau 5 năm. Uber còn được cho là đang tiến gần đến đợt huy động vốn có thể đạt mức giá trị 35 đến 40 tỷ USD. Để phát triển hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn thế giới, Uber đã ký kết một thỏa thuận với công ty viễn thông America Movil của tỷ phú Carlos Slim để đưa ứng dụng của mình đến với khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là Mexico. Bắt đầu từ ngày 2-12, ứng dụng Uber được quảng bá trên hàng triệu mẫu điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android của America Movil - nhà mạng chiếm tới 42,9% lượng điện thoại di động ở Mexico.

PHƯƠNG NAM (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục