(SGGP). - Hôm nay 10-11, Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Đáng chú ý, Quốc hội sẽ bổ sung nội dung quản lý người nghiện ma túy lồng ghép vào trong nghị quyết này như đề nghị trước đó của Đoàn ĐBQH TPHCM.
Trao đổi với phóng viên SGGP, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, UBTVQH đã họp để xem xét về kiến nghị của Đoàn ĐBQH TPHCM cũng như tờ trình Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở bắt buộc. Theo đó, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 nội dung yêu cầu Chính phủ thực hiện các biện pháp để thực hiện phòng chống tội phạm, trong đó có việc tổ chức cai nghiện ma túy. Cụ thể, UBTVQH đồng ý phương án cho phép thí điểm lập trung tâm tiếp nhận người nghiện để cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của tòa án đưa vào cai nghiện tập trung. Các trung tâm này sẽ thay cho vai trò của các tổ chức xã hội và chỉ áp dụng với đối tượng là người nghiện không có nơi cư trú ổn định.
Theo ông Đào Trọng Thi, UBTVQH đồng ý với phương án này nhưng lưu ý việc thực hiện phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp. Các trung tâm tiếp nhận người nghiện chỉ để cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của tòa án đưa vào cai nghiện tập trung, chứ không phải là trung tâm cai nghiện bắt buộc.
Đồng thời, trong quá trình đó, Chính phủ và các địa phương vẫn phải tiếp tục thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xác nhận để lập hồ sơ ban hành quyết định của tòa án đưa vào cai nghiện tập trung, bảo đảm việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. “UBTVQH yêu cầu Chính phủ phải khắc phục những vướng mắc để thực hiện luật. Cụ thể, Chính phủ sớm hoàn thiện, chỉnh sửa lại Nghị định 221/2013/NĐ-CP (quy định các biện pháp hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) để các tỉnh thành trong cả nước có cơ sở thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nếu sau khi đã khắc phục mà vẫn còn nhiều vướng mắc thì mới xem xét sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quốc hội không chấp nhận chưa thực hiện đã sửa luật, không chấp nhận thí điểm cơ chế vi phạm luật” - ông Đào Trọng Thi nói.
Hiện số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn TPHCM là trên 19.200 người và ước có 9.000 - 15.000 người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Nếu không có giải pháp để đưa vào các cơ sở cai nghiện tập trung sẽ ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội.
PHAN THẢO